Chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực ngành
Xác định rõ sứ mệnh của mình, 30 năm qua, kể từ ngày tỉnh Yên Bái tái lập (1/10/1991 - 1/10/2021), sự nghiệp giáo dục - đào tạo Yên Bái đã có những bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp “trồng người”.
Bằng sự đổi mới, năng động, sáng tạo trong cách làm, đến nay, hệ thống mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và có chất lượng của con em nhân dân. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Các phòng học, nhà công vụ được đầu tư xây dựng đảm bảo điều kiện hoạt động; các phòng học tương tác, phòng học thông minh, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, thiết bị ứng dụng công nghệ cao được quan tâm đầu tư, nhất là các trường đạt chuẩn quốc gia.
Nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giai đoạn 1991-2005 tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phục vụ tốt nhiệm vụ trọng tâm hoàn thành xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; tuyển dụng, bổ sung gắn với đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng về số lượng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên tiến tới mục tiêu phổ cập THCS.
Từ năm 2000-2005, ngành giáo dục tỉnh tập trung vào thực hiện tăng quy mô trường lớp bậc THCS, THPT, đa dạng hóa loại hình trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành địa phương tích cực tham mưu với tỉnh khẩn trương tuyển dụng, bổ sung giáo viên bậc THCS, THPT, chuẩn hóa đội ngũ đáp ứng giáo dục toàn diện và đổi mới chương trình, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho các ngành học cấp học phải đi trước một bước.
Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giai đoạn 1991-2005 đã đạt những mục tiêu đề ra, góp phần đáng kể vào những thành tích đã đạt được: Liên kết với các trường đại học, cao đẳng trung ương đào tạo chính quy tập trung 387 giáo viên gồm các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ, Thể dục, Kỹ thuật Công nghiệp, Nhạc, Họa. Đào tạo trên chuẩn ở các ngành học cho hơn 2.500 giáo viên, đưa tỉ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 21,2%.
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từng bước được chuẩn hóa, bảo đảm hợp lý về số lượng, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học; tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên là 98,9%.
Giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm đầu tư, gần 40% học sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh được hưởng chính sách nội trú, bán trú...
Trong năm qua, toàn tỉnh cũng có nhiều giáo viên được trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Đây là sự ghi nhận đầy tích cực với những nỗ lực, cống hiến của những “kỹ sư tâm hồn” trên địa bàn.
Hội thi giáo viên mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên dạy giỏi cấp tỉnh cũng được tổ chức thường niên. Đây là hoạt động chuyên môn có vị trí rất quan trọng nhằm: phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong toàn ngành, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, giúp giáo viên phấn đấu hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học. Đồng thời, là dịp để đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo của Sở, phòng GD&ĐT và các đơn vị nhà trường.
“Trái ngọt”
Không những thế, nhiều năm qua, ngành giáo dục Yên Bái tập trung toàn lực cho việc đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành như: “Dạy tốt - học tốt”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... đã đưa chất lượng giáo dục đại trà nâng lên một cách vững chắc, tạo được nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn. Giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm.
Chỉ trong 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã có gần 3.000 học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc.
Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia và dẫn đầu về chất lượng giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên rõ rệt, đạt mức khá so với các tỉnh trong khu vực.
Là địa chỉ uy tín của giáo dục mũi nhọn Yên Bái, trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đã bồi dưỡng và ươm mầm tài năng trên đấu trường quốc tế với những thành tích đáng tự hào khi có học sinh đạt huy chương Bạc kỳ thi Olympic Hoá học Quốc tế; giải Khuyến khích Olympic vật lý Châu Á.
Năm học 2020-2021, ngành giáo dục địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi; bồi dưỡng giáo viên cốt cán cấp thành phố; lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán giỏi nghề, tâm huyết tham gia luyện các đội tuyển học sinh giỏi...
Ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi với đội ngũ giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy; cải tiến các khâu trong tổ chức thi chọn học sinh giỏi ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, lựa chọn những học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh đạt kết quả cao.
Bên cạnh những cuộc thi về kiến thức, trong năm qua, ngành giáo dục Yên Bái cũng tổ chức thành công nhiều “sân chơi lớn” cho học sinh thông qua các cuộc thi và ngày hội. Trong đó, phải kể đến hội thi “Tuyên truyền mô hình trường học hạnh phúc” dành cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn tỉnh năm 2021 do sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức.
Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng, nhân rộng các mô hình “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc” đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ của ngành giáo dục. Ở đó, những giá trị yêu thương, an toàn và tôn trọng được nhân lên, bồi đắp, để mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là một ngày vui.
Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên trong toàn quốc triển khai xây dựng trường học hạnh phúc một cách đồng bộ và bài bản, với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới các địa phương, đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố, 136 trường mầm non, phổ thông đã xây dựng “Trường học hạnh phúc”…
Ngoài ra, có thể kể đến các cuộc thi Khoa học kỹ thuật và ngày hội STEM, thông qua đó, các em học sinh được tiếp cận với nghiên cứu khoa học, học hỏi, giao lưu và rèn kỹ năng thuyết trình, vấn đáp. Đây cũng là dịp để các nhà trường, các em học sinh có cơ hội được trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm của chủ đề STEM. Cuộc thi tổ chức thành công trên tinh thần tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Như vậy, sau 30 năm, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh, đặc biệt là sự cống hiến không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã đưa ngành giáo dục tỉnh Yên Bái phát triển cả về cơ sở vật chất và chất lượng dạy và học, sánh ngang với các tỉnh khác trong khu vực.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-mam-xanh-uom-tuong-lai-tuoi-sang-cho-giao-duc-yen-bai-a562298.html