Các trường đại học đồng loạt đổi phương thức xét tuyển

Hiện các trường đại học, cao đẳng đang ráo riết xây dựng đề án tuyển sinh năm 2022.

Điểm đáng chú ý nhất trong tuyển sinh năm 2022 là các trường đại học, cao đẳng phát huy mạnh tính tự chủ trong tuyển sinh theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học (năm 2018). Nhiều trường đại học mở rộng phương thức tuyển sinh, tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá tư duy, năng lực của học sinh.

Nhiều đơn vị đã thông báo tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2022 như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia Tp.HCM), kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức đánh giá các năng lực cơ bản của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Kỳ thi sẽ tổ chức thành 2 đợt và thí sinh chỉ cần làm 1 bài thi duy nhất. Đợt 1 dự kiến vào ngày 27/3/2022 và đợt 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7/2022. Từ năm 2022, Đại học Quốc gia Tp.HCM sẽ mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia. Kết quả kỳ thi là một trong số các phương thức xét tuyển vào trường thành viên Đại học Quốc gia Tp.HCM và các trường đại học, cao đẳng khác.

Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó trưởng Ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng cho biết, tính đến nay đã có 30 trường đại học chính thức đăng ký sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển năm 2022. Trung tâm sẽ kết hợp với nhiều trường đại học trong cả nước tổ chức kỳ thi trên diện rộng với nhiều điểm thi ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố phía Bắc, Bắc Trung bộ, Đà Nẵng và Tp.HCM. Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, kỳ thi năm 2022 sẽ tiếp tục ứng dụng kỹ thuật kiểm tra đánh giá hiện đại và tối ưu hóa quá trình tổ chức thi trên máy tính, bổ sung 20% câu hỏi mới vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi chuyên nghiệp.

Còn Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM theo công bố mới nhất sẽ tuyển khoảng 4.000 chỉ tiêu cho 35 ngành đào tạo bằng đồng thời 4 phương thức. Trường cũng mở mới 6 ngành học là Quản trị văn phòng, Kinh tế quốc tế, Công nghệ tài chính, Kiểm toán, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị sự kiện.

Các phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ THPT và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2022 của Đại học Quốc gia Tp.HCM.

Đáng chú ý ở phương thức xét học bạ, năm nay trường chỉ xét kết quả học tập của 3 học kỳ THPT (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) thay cho việc xét từ 5 học kỳ đầu THPT của năm 2021 nhằm nâng cao chất lượng xét tuyển đầu vào.

Với phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, thí sinh cần tổng điểm trung bình 3 học kỳ xét tuyển (gồm học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên.

Giáo dục - Các trường đại học đồng loạt đổi phương thức xét tuyển

Năm 2022, nhiều trường đại học cho biết sẽ mở rộng việc sử dụng kết quả của các kỳ thi riêng. (Ảnh minh họa).

Đối với Đại học Quốc tế Hồng Bàng điểm mới trong danh mục tuyển sinh năm tới là tiếp tục đầu tư cho khối ngành sức khỏe với dự kiến mở thêm 2 ngành là Y học cổ truyền và Sức khỏe răng miệng. 7 ngành đang đào tạo gồm: Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng, Dược, Xét nghiệm, Phục hồi chức năng, Hộ sinh. Ngoài ra, khoa Kinh tế quản trị mở mới ngành Thương mại điện tử, Viện Giáo dục và đào tạo giáo viên mở thêm ngành Giáo dục tiểu học.

Năm 2022, trường tiếp tục áp dụng 6 phương thức để tuyển sinh cho tất cả các ngành học trình độ đại học chính quy, đặc biệt nhà trường vẫn tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá tư duy, năng lực của học sinh.

6 phương thức tuyển sinh năm 2022 bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, xét kết quả học bạ THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của trường, kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test), xét tuyển thẳng và xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM.

Theo công bố của Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM), năm 2022 trường tuyển khoảng hơn 3.600 chỉ tiêu với 6 phương thức trong đó ưu tiên nhiều nhất dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức.

Năm sau, trường dự kiến sẽ xây dựng và mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới như: Công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), Kỹ thuật máy tính và ngành Quản lý tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, trường còn đào tạo 1 chương trình liên kết đào tạo do nước ngoài cấp bằng. Cũng trong năm học này, trường bắt đầu thực hiện về đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học.

Về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển (chiếm chỉ tiêu xét tuyển tối đa 4%). Xét tuyển theo quy định dành cho học sinh giỏi các trường chuyên và các trường THPT chiếm từ 10% - 15%. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chiếm từ 15% - 50%.

Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức chiếm từ 40%- 70%. Tuyển thí sinh có quốc tịch Việt Nam học trường nước ngoài tại Việt Nam (chiếm tối đa 3% tổng chỉ tiêu xét tuyển). Tuyển học bạ (chiếm chỉ tiêu 5% - 10%).

Hội đồng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội vừa đưa ra phương thức tuyển sinh dự kiến hệ đại học chính quy năm 2022. Theo đó, trường tuyển sinh bằng 3 phương án và thay đổi đáng kể về chỉ tiêu. Trường dành 10 – 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60 – 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 – 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.

Đại diện Đại học Giao thông Vận tải cũng cho hay, trường sẽ duy trì bốn phương thức tuyển sinh như năm ngoái gồm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40 - 50%), kết quả học bạ THPT (20 - 30%), tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1 - 2%), xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5 - 10%).

Trường cũng dành 20- 30% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức. So với năm ngoái, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm khoảng 30%.

Đại diện Đại học Xây dựng Hà Nội thì cho biết, phương thức tuyển sinh của trường là dành khoảng 30% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. 70% còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thông báo sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT vào tháng 5/2022 để làm phương thức tuyển sinh. Thời gian tới, trường sẽ công bố số lượng chỉ tiêu và tỷ lệ xét tuyển theo từng phương thức xét cụ thể.

Còn Đại diện Đại học Thủy lợi dự kiến năm 2022 trường sẽ tuyển khoảng khoảng 5.200 sinh viên cho 39 ngành đào tạo. Ngoài 3 phương thức truyền thống: xét tuyển thẳng, xét kết quả học tập 3 năm THPT, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm nay trường áp dụng thêm phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Trong đó, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Theo Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cac-truong-dai-hoc-dong-loat-doi-phuong-thuc-xet-tuyen-a562333.html