Trao đổi với báo chí chiều 16/12, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm KTTVQG), nhấn mạnh dù siêu bão Rai giảm cấp khi vào Biển Đông nhưng đây vẫn là cơn bão mạnh.
Chiều 16/12, bão Rai tiếp tục mạnh lên, trở thành cơn siêu bão với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 17.
Dự báo khoảng chiều và tối 17/12, bão sẽ đi vào Biển Đông, trở thành bão số 9 trong mùa mưa bão năm nay.
Theo ông Năng, trong khoảng 50 năm gần đây, chỉ có 8 cơn siêu bão từ cấp 16 trở lên xuất hiện tại Tây Bắc Thái Bình Dương vào cuối năm. Trước đó, năm 2016 cũng có một cơn siêu bão xuất hiện tại vùng biển Philippines vào tháng 12, khi vào Biển Đông là cơn bão mạnh cấp 10-11.
Ông Năng nhấn mạnh, đây là trường hợp hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên trong bối cảnh khí hậu, những thiên tai dị thường hoặc lớn có thể xuất hiện nhiều hơn và phải tập trung ứng phó.
Theo tính toán mới nhất, dự báo siêu bão Rai sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc trong khoảng 24-48 giờ đầu, khi vào đến kinh tuyến 110, 111 bắt đầu có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc, hướng về quần đảo Hoàng Sa và sau đó về phía Trung Quốc.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết nhận định, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp vùng biển phía Nam từ Bình Thuận trở vào chưa cao, nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều kịch bản xảy ra. Kịch bản lớn nhất hiện nay dự báo sẽ đi lên phía Bắc, nếu có tình hình mới thì Trung tâm sẽ có thông tin mới nhất.
Dự báo, vùng ảnh hưởng trực tiếp là vùng phía đông của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía bắc của quần đảo Trường Sa. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong khu vực này trong 24-48 giờ tới sẽ gặp nhiều nguy hiểm.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bao-rai-con-bao-hiem-gap-dang-di-chuyen-rat-nhanh-vao-bien-dong-a562440.html