CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, MCK: PTL, sàn HoSE) vừa công bố bổ sung tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến tổ chức vào tháng 1-2/2022.
Đáng chú ý, trong tài liệu bổ sung, PTL dự kiến bỏ nội dung hủy niêm yết, ngược lại sẽ trình chiến lược, mô hình phát triển mới của Công ty thông qua thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.
Không những vậy, Petroland muốn hướng đến chiến lược nâng giá trị vốn hóa lên 10.000 tỷ đồng. Hiện, cổ phiếu PTL hiện đang giao dịch ở mức giá 15.700 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa đạt hơn 1.500 tỷ đồng.
Trước đó, đầu tháng 12/2021, Petroland đang có ý định lấy ý kiến cổ đông về việc xin hủy niêm yết tự nguyện trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sau hơn 11 năm niêm yết.
Thời điểm này, cơ cấu cổ đông PTL cũng khá xáo trộn khi một số cổ đông gắn bó lâu năm rời công ty trong khi một nhà đầu tư cá nhân chi tiền mạnh để sở hữu 24% vốn Công ty.
Cụ thể, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (MCK: PVX) đã bán toàn bộ hơn 36 triệu cổ phiếu PTL (tỷ lệ 36%) để tái cơ cấu lại khoản mục đầu tư theo chủ trương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dịch vụ và Đầu tư BĐS Ngôi sao Phương Nam cũng bán thành công xấp xỉ 10,7 triệu cổ phiếu PTL, giảm tỷ lệ số cổ phần đang nắm giữ tại PTL từ hơn 11,2 triệu đơn vị (11,22% vốn) xuống còn 528.600 cổ phiếu (0,52% vốn) và chính thức rời ghế cổ đông lớn.
Trong chiều hướng ngược lại, một cổ đông lớn là bà Đỗ Thị Hiền đã mua 7,93 triệu cổ phiếu PTL, nâng tỷ lệ sở hữu tại PTL từ 16,03% (hơn 16 triệu cổ phiếu) lên 23,96% vốn (tương đương 24 triệu cổ phiếu).
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/petroland-bat-ngo-quay-xe-khong-huy-niem-yet-tu-nguyen-nang-von-hoa-len-10000-ty-dong-a562449.html