Biến thể Omicron được báo cáo lần đầu vào ngày 25/11 tại Nam Phi và đến nay đã nhanh chóng lan rộng, dần trở thành làn sóng dịch COVID-19 mới ở nhiều quốc gia bao gồm Vương quốc Anh, Nam Phi và Đan Mạch. Trong đó, Anh hiện đang tìm cách đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng để có thể sớm thoát khỏi khủng hoảng. Chính phủ nước này đang triển khai chiến dịch tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người dân và đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch này vào cuối tháng 12.
Trong khi đó, ở Nam Phi, các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn nhưng vẫn chưa thể xác định khả năng "né tránh" hệ miễn dịch của biến thể này. Còn tại Đan Mạch, một trong những nơi đầu tiên nới lỏng quy định hạn chế ở châu Âu, giờ lại đang cân nhắc những áp đặt hạn mới trong nỗ lực kiểm soát sự gia tăng đột biến của các ca mắc biến thể Omicron. Hiện nay, thế giới đã rút ra được những bài học gì về biến thể này?
Đã muộn để ngăn chặn Omicron
Dù nhiều nước đã nhanh chóng áp đặt hạn chế nhập cảnh ngay sau khi Omicron được phát hiện nhưng biến thể này đã lây lan ra toàn cầu. Trong cuộc họp báo ngày 14/12 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 77 quốc gia hiện đã báo cáo các trường hợp mắc biến thể Omicron Ông nói thêm răng "thực tế biến thể Omicron có thể đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, ngay cả trước khi nó được phát hiện".
Ông Tedros nhận định: "Omicron đang lan truyền với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy với bất kỳ biến thể nào trước đây. Chúng tôi lo ngại rằng mọi người đang coi thường biến thể Omicron chỉ gây bệnh nhẹ. Chắc chắn, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đang đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của biến thể này".
Ông nói thêm rằng ngay cả khi Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn, "số ca bệnh vẫn có thể lấn át các hệ thống y tế chưa được chuẩn bị sẵn sàng".
Tại Mỹ, biến thể Omicron cũng đã bắt đầu lan nhanh và đã được xác định ở 36 bang. Ông Michael Head, một nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton của Anh, cho biết: "Tôi cảm thấy biến thể Omicron có thể đã có mặt ở khắp mọi nơi. Sẽ có rất nhiều ca mắc biến thể Omicron mà các nước vẫn chưa phát hiện ra, một phần do hệ thống xét nghiệm và năng lực phân tích bộ gen bị hạn chế".
Không tốn nhiều thời gian để Omicron thành biến thể "thống trị"
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết ca mắc biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện ở nước này là vào ngày 27/11. Thế nhưng chỉ sau vài tuần, tới ngày 14/12, số trường hợp mắc biến thể này đã vượt qua cả biến thể Delta. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh nhận định Omicron thật sự đã vượt qua Delta, trở thành biến thể "thống trị" tại Anh lúc này.
Giám đốc sức khoẻ cộng đồng tại London (Anh) Kevin Fenton viết trên Twitter: "Hơn lúc nào hết, đi tiêm các mũi vaccine thứ nhất, thứ hai và mũi vaccine tăng cường là điều quan trọng nhất. Đừng để virus có cơ hội lây lan".
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid trong ngày 14/12 cho biết các trường hợp mắc Omicron đã tăng gấp đôi sau khoảng hai ngày, nói thêm rằng "sự gia tăng các trường hợp Omicron ở Anh hiện đang phản ánh sự gia tăng nhanh chóng mà chúng ta đang thấy ở Nam Phi".
Trong ngày 16/12, Vương quốc Anh đã báo cáo 88.376 ca bệnh COVID-19 mới - cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nam Phi cũng ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao nhất từ trước đến nay vào ngày 15/12. Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch (SSI) vào ngày 16/12 cho biết Omicron dự kiến sẽ trở thành biến thể "thống trị" trong tuần này với gần 10.000 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận ở nước này trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Fredricksen nói rằng tỷ lệ mắc bệnh là "rất, rất cao" và bà sẽ "áp dụng các biện pháp mới để ngăn chặn sự lây lan".
Quá sớm để khẳng định mức độ nghiêm trọng do Omicron gây ra
Khi nghiên cứu về Omicron, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) đã đưa ra một giọng điệu lạc quan nhưng cũng vô cùng thận trọng. Cơ quan này cho biết: "Mặc dù dữ liệu vẫn đang được thu thập nhưng đã có bằng chứng cho thấy làn sóng hiện tại có thể nhẹ hơn so với trước đây".
Một nghiên cứu được công ty bảo hiểm Nam Phi Discovery Health công bố cho thấy rằng khả năng bảo vệ chống lại chủng mới của vaccine đã ít hơn nhưng có dấu diệu cho rằng Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó.
Các nhà nghiên cứu cho biết hai liều vaccine ngừa COVID-19 Pfizer có tác dụng bảo vệ 33% chống lại nhiễm trùng nhưng 70% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả việc nhập viện. Trong khi đó, nguy cơ phải nhập viện do COVID-19 ở người lớn mắc Omicron thấp hơn 29% so với chủng ban đầu.
Dù vậy, vẫn có những lời cảnh báo về biến thể này. Giám đốc Y tế của Anh Chris Whitty cảnh báo rằng kỷ lục ca mắc COVID-19 hàng ngày của Anh "sẽ bị phá vỡ trong vài tuần tới khi tỷ lệ ca bệnh tiếp tục tăng lên" và điều này sẽ khiến số người cần nhập viện điều trị tăng lên.
Ông Whitty phát biểu: "Tôi muốn làm rõ điều này. Tôi cho rằng chúng ta có vấn đề ở đây. Các nhà khoa học của Vương quốc Anh và cả Nam Phi đều đang nỗ lực xác định tỷ lệ chính xác về khả năng gây bệnh nặng của biến thể Omicron".
Các nhà khoa học cho biết họ cần có thêm dữ liệu thời gian thực trước khi bắt đầu đánh giá mức độ nghiêm trọng của Omicron.
Chỉ tiêm vaccine là không đủ làm chậm Omicron
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng khi Omicron lan rộng, các quốc gia cần tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp đã được biết đến để giảm khả năng lây lan của virus trong không khí, chẳng hạn như giãn cách xã hội và cải thiện hệ thống thông gió trong nhà.
Tổng Giám đốc WHO Tedros nhận xét: "Các quốc gia có thể và phải ngăn chặn sự lây lan của Omicron bằng các biện pháp có hiệu quả hiện nay. Vaccine không thể được dùng để thay thế khẩu trang. Vaccine cũng thể được dùng để thay thế giãn cách xã hội. Vaccine cũng không thể dùng để thay thế hệ thống thông gió hoặc rửa tay sát khuẩn. Hãy làm tất cả. Hãy làm điều đó một cách nhất quán".
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bai-hoc-cuc-dat-gia-tu-nhung-quoc-gia-dang-phai-hung-chiu-con-song-du-omicron-a562491.html