Trần Thị Trà Giang (21 tuổi, ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội), hiện là sinh viên năm cuối trường Cao đẳng y tế Bạch Mai. Năm 2021, khi tình hình dịch tại Bắc Giang và Tp. Hồ Chí Minh có dấu hiệu căng thẳng, Giang đã không ngần ngại xung phong làm tình nguyện viên tại hai địa điểm trên. Hiện, nữ sinh này vẫn đang có mặt tại Tp. Hồ Chí Minh để hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19. Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với nữ sinh này về quyết định tham gia chống dịch và những câu chuyện khó quên nơi tâm dịch.
Xung phong vào tâm dịch
Người Đưa Tin (NĐT): Chào Trà Giang, lý do nào khiến bạn quyết định tình nguyện 2 lần tham gia chống dịch tại Bắc Giang và Tp. Hồ Chí Minh? Cảm xúc, ý kiến của gia đình bạn như thế nào trước quyết định này?
Trần Thị Trà Giang: Trước hết, là một người đang học tập và công tác trong ngành y tế, tôi tự nhận thấy được mình cần có trách nhiệm chung tay cùng cả ngành y trong cuộc chiến này. Thêm vào đó, vì tình hình dịch bệnh lúc hiện giờ đang rất căng thẳng, số ca mắc Covid-19 tăng cao hàng ngày, nên tôi muốn được san sẻ, dùng chuyên môn của mình để giúp nhanh chóng dập dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Vì vậy mà ngay sau khi nhận được lời kêu gọi tham gia chống dịch, tôi và đồng đội đã không ngần ngại đăng ký.
Khi thông báo với gia đình về quyết định này, bố mẹ tôi đã phản đối một cách gay gắt vì lo sợ khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, sau một thời gian giải thích và thuyết phục, bố mẹ đã đồng ý cho tôi tham gia vào cuộc chiến này dù họ vẫn còn lo lắng vì tình hình dịch bệnh khá căng thẳng.
Vào tháng 6/2021, tôi lên đường tiến vào tâm dịch Bắc Giang. Chúng tôi hoạt động tại đó trong vòng 7 ngày. Sau khi tình hình Bắc Giang ổn định, chúng tôi quay về trường tiếp tục công việc học tập. Tuy nhiên, không lâu sau đó, diễn biến dịch tại Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục căng thẳng. Tháng 8/2021, tôi cùng các đồng đội của mình đến Tp. Hồ Chí Minh tham gia chống dịch và tiếp tục hỗ trợ y tế tại đây cho đến thời điểm hiện tại.
NĐT: Công việc cụ thể của bạn trong thời gian tham gia chống dịch tại những “điểm nóng Covid” là gì? Và bạn đã tự bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro lây nhiễm như thế nào?
Trần Thị Trà Giang: Công việc hàng ngày của tôi là lấy mẫu xét nghiệm. Địa điểm hoạt động chính tại Tp. Hồ Chí Minh là ở phường 8, quận 6.
Hàng ngày, tôi bắt đầu công việc từ lúc 7h30 sáng và kết thúc công việc sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm hết số người trong địa phận được phân công. Vì vậy, sẽ không có thời gian kết thúc ngày làm việc cụ thể. Chúng tôi sẽ đi đến từng con hẻm, ngõ và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.
Đây là một công việc khá nguy hiểm và tiềm ẩn rủi ro khi phải tiếp xúc với nhiều người, bởi họ đều là những người có nguy cơ cao mang mầm bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi đều được trang bị quần áo bảo hộ đầy đủ, an toàn. Thêm vào đó, tôi cũng thường xuyên sát khuẩn, thay găng tay sau những lần lấy mẫu. Trước khi kết thúc công việc một ngày, tôi đều sẽ khử khuẩn toàn thân một cách cẩn thận. Ngoài ra, tôi cùng các đồng đội cũng hay xem và học lại quy trình lấy mẫu xét nghiệm, mặc đồ bảo hộ ra sao để đảm bảo an toàn nhất. Chúng tôi luôn tự nhắc nhở bản thân ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, khoa học để có cho mình một sức đề kháng tốt nhất. Đó là cách hữu hiệu để bảo vệ bản thân trước bệnh dịch.
NĐT: Trong thời gian tham gia chống dịch, bạn gặp phải những khó khăn gì? Động lực nào đã giúp bạn vượt qua để tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ?
Trần Thị Trà Giang: Thực sự, khó khăn là điều không thể tránh khỏi nhất là khi lần đầu tham gia chống dịch tại Bắc Giang. Dù vậy, chúng tôi đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ rất bài bản và quá trình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cũng được thầy cô hướng dẫn cẩn thận.
Lần thứ hai tình nguyện tham gia chống dịch tại Tp. Hồ Chí Minh, với các kinh nghiệm trước đó, tôi cũng không còn quá bỡ ngỡ.
Về nơi ở, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền địa phương khi sắp xếp cho nơi sinh hoạt đầy đủ, thoải mái.
Thời gian đầu khi mới vào Tp. Hồ Chí Minh, tôi còn chưa quen với khẩu vị của người dân nơi đây. Các món ăn thường khá ngọt và cay so với ngoài Bắc. Vì vậy, tôi có một chút nhớ về dư vị quê nhà. Ngoài ra, một số đồ dùng cá nhân tôi chuẩn bị còn thiếu sót nên cũng ảnh hưởng tới quá trình sinh hoạt. Và có lẽ khó khăn lớn nhất chính là nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình.
Nhưng, nhờ có sự động viên, an ủi của các đồng đội cùng sự hỗ trợ của chính quyền, người dân nơi đây nên tôi cũng cảm thấy lạc quan và cố gắng hơn. Đặc biệt, động lực to lớn giúp tôi vượt qua gian khó, hoàn thành nhiệm vụ chính là mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, mong muốn cuộc sống sớm trở lại như trước đây. Tất cả cùng chung tay vì miền Nam ruột thịt.
Ấm áp tình người
NĐT: Sau những giờ làm việc vất vả, bạn và đồng đội có những hoạt động gì để giải trí, xua tan mệt mỏi?
Trần Thị Trà Giang: Sau một ngày làm việc, tôi và mọi người cùng nhau chơi game, hát hò, tập thể dục để giải tỏa căng thẳng. Tất nhiên, mọi hoạt động của chúng tôi đều đảm bảo giữ khoảng cách an toàn, không tụ tập quá đông người. Mọi người sinh hoạt cùng nhau trong một thời gian dài nên cũng khá thân thiết. Chúng tôi chia sẻ với nhau những câu chuyện vui hoặc giãi bày những khó khăn hôm nay mình đã gặp phải. Đó là một cách giải trí khá hiệu quả. Mọi người ở đây cùng giúp đỡ, chia sẻ với nhau rất nhiều. Những trò đùa vui, chụp ảnh lưu niệm hay điệu nhảy cũng giúp cho không khí trong buổi làm việc thêm thoải mái hơn.
Thỉnh thoảng, tôi cũng có gọi điện cho gia đình để vơi đi nỗi nhớ nhà. Được nói chuyện với bố mẹ cũng giúp tôi vui vẻ hơn và tiếp thêm sức mạnh cho bản thân.
NĐT: Kỷ niệm nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với bạn?
Trần Thị Trà Giang: Suốt thời gian tham gia chống dịch, có lẽ điều để lại kỷ niệm và ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là sự ấm áp của tình người. Trong một lần tôi đi lấy mẫu xét nghiệm tại Tp. Hồ Chí Minh, thời tiết hôm đó nắng nóng gay gắt, chúng tôi phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít nên khá mệt và đuối sức. Khi đến từng hộ gia đình để lấy mẫu, mọi người đều hỏi han chúng tôi có mệt không, có muốn ăn gì không. Lúc ra về, họ còn tặng cho chúng tôi rất nhiều quà bánh và nước ngọt. Thực sự, dù mệt nhọc nhưng khi nhận được sự quan tâm như vậy, tôi cảm thấy có người thấu hiểu và thông cảm cho công việc của mình. Và có lẽ, đó cũng chính là động lực to lớn tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành công việc được tốt nhất.
NĐT: Sau khoảng thời gian tham gia chống dịch tại Bắc Giang và TP. Hồ Chí Minh, bạn cảm thấy bản thân có những thay đổi trong suy nghĩ, cách nhìn với nghề y như thế nào?
Trần Thị Trà Giang: Khi bước vào tâm dịch, chứng kiến sự mong manh giữa sống và chết, thấy được sự khốc liệt của dịch bệnh, tôi cảm thấy trân quý cuộc sống này hơn rất nhiều. Từ đó mà tôi thấy yêu mến người thân, bạn bè và những điều mình đang có. Tôi tự nhủ mình cần sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội.
Đặc biệt, tôi càng thấy trân trọng nghề y. Công việc này giúp kéo dài sự sống, nuôi hy vọng cho nhiều người. Vì vậy, tôi cần có ý thức học tập và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn nữa. Sau này, tôi có thể cống hiến hết sức mình cho ngành y, cho những điều tốt đẹp của xã hội.
NĐT: Bạn có dự định gì cho tương lai sau khi hoàn thành công việc chống dịch này?
Trần Thị Trà Giang: Sau khi dịch bệnh kết thúc, cuộc sống được trở lại như thường nhật, tôi sẽ trở lại trường và tiếp tục công việc học tập của mình. Mục tiêu trước mắt là tôi sẽ cố gắng để hoàn thành chương trình tốt nghiệp được suôn sẻ nhất. Sau đó có thể tiếp tục cống hiến cho ngành y nước nhà. Tôi vẫn sẽ sẵn sàng khi Tổ quốc cần.
Chúng ta còn trẻ, chúng ta hãy cứ cống hiến hết sức lực cho đất nước. Chúng ta hãy mạnh dạn bước qua những giới hạn, nỗi sợ của bản thân để khám phá ra được những tiềm lực bên trong chúng ta. Cuối cùng, là một công dân của Việt Nam, chúng ta cần cống hiến cho đất nước vì “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
NĐT: Xin cảm ơn chia sẻ của bạn.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/an-tuong-sau-dam-cua-nu-sinh-2-lan-vao-diem-nong-covid-19-a562692.html