Theo Hà Nội Mới, ngày 22/12, bộ Y tế đã có Công điện 2146/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19. Trong Công điện, bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng lại kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng/ngày.
Cùng với đó, địa phương cần tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, "Thầy thuốc đồng hành", tổ chức thiện nguyện, người có tâm huyết, người bệnh COVID-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố... cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Khi cần thiết, có thể huy động người nhà, đội ngũ tình nguyện hỗ trợ công tác chăm sóc, theo dõi người bệnh tại các cơ sở điều trị.
Ngoài ra, theo Công điện, các địa phương cần quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ, các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2...
Đồng thời, bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bề mặt; tăng cường thông khí toàn bộ các buồng bệnh, khu điều trị người bệnh COVID-19.
Cụ thể, Công điện 2146 nêu rõ: "Các địa phương chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ việc 'Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị' theo Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 1-12 của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay từ trạm y tế, tổ Covid cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị".
Theo VTC, cũng trong Công điện, bộ Y tế nhận định các tỉnh, thành phố cần kịp thời động viên, hỗ trợ tâm lý nhân viên y tế, những người làm việc trong khu điều trị COVID-19 dài ngày, căng thẳng kéo dài, chịu nhiều áp lực và gánh nặng chống dịch.
Được biết, thời gian qua, với sự quyết liệt của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng, các Bộ, ban, ngành, làn sóng dịch thứ 4 từng bước được khống chế, ngăn chặn tại nhiều địa phương. Các tỉnh, thành phố đang chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Tuy nhiên số ca mắc tại các tỉnh, thành phố gia tăng, đặc biệt trên thế giới xuất hiện biến thể mới siêu lây nhiễm có thể gây tác động rất lớn đến hệ thống y tế.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-y-te-han-che-toi-da-viec-nhan-vien-y-te-lam-viec-qua-8-tiengngay-a562720.html