Shophouse vắng người thuê
Với lợi ích "kép" vừa có thể ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng, các căn shophouse (nhà phố thương mại) thời gian qua được giới đầu tư ưa chuộng. Tuy nhiên dịch bệnh đã khiến tình hình kinh doanh mặt bằng nói chung và các căn shophouse bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại Tp.HCM, nhiều căn shophouse đã rao cho thuê nhiều tháng liền nhưng đành bỏ trống, còn những căn đã có chủ thuê cũng chỉ cầm cự được một thời gian.
Theo Tuổi Trẻ, tại một căn chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), dãy các căn shophouse ở sảnh chung cư chỉ có vài thương hiệu cà phê, cửa hàng tiện lợi thuê mặt bằng kinh doanh, còn lại đều rơi vào cảnh vắng người thuê. Bên trong tấm cửa kính của các căn shophouse, các chủ nhà đều đề bảng cho thuê dài hạn.
Còn tại khu vực Tp.Thủ Đức, nhiều căn shophouse có diện tích hàng trăm m² cũng ế ẩm dù giá cho thuê không còn "hét" trên 100 triệu đồng như trước, nhiều căn ở khu vực quận 2 cũ đã có giá khá "mềm", chỉ 25-35 triệu đồng.
Trong khi đó, tại các sàn giao dịch bất động sản, giá cho thuê của các căn shophouse bên dưới các chung cư hiện có giá rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch.
Thậm chí có những căn chỉ rao giá chừng 12-30 triệu đồng mỗi tháng dù diện tích không dưới 50m². Trong đó có những căn diện tích trên 100m², ở mặt tiền những con đường lớn, song giá cho thuê cũng chỉ chừng 20 triệu đồng.
Để hỗ trợ người thuê, nhiều chủ mặt bằng cũng giảm giá mùa dịch trong vài tháng hoặc miễn phí 1-2 tháng tu sửa, trang trí nhưng vẫn không thể kéo người thuê lấp đầy khoảng trống shophouse.
Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, giá mặt bằng cho thuê tại Tp.HCM hiện khá cao, gián tiếp tác động đến giá thành sản phẩm cao khi sản phẩm phải cõng thêm giá mặt bằng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh chưa đủ trả tiền thuê mặt bằng, dẫn đến nhiều người ngại bung tiền đi thuê mặt bằng thời điểm này.
Tại Hà Nội, nhiều shophouse hay ki ốt chung cư cũng rơi vào cảnh không có người thuê. Nhiều ki ốt tại cụm chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai) đang rơi vào tình trạng cửa đóng then cài, đề biển cho thuê nhiều tháng nhưng vẫn không tìm được khách. Trước đây, những ki ốt này thường được nhiều người săn đón bởi nằm ngay mặt đường phố Linh Đường, giữa khu vực dân cư đông đúc với 12 toà nhà có hàng nghìn hộ dân sinh sống. Mức giá giao dịch từ 200 - 500 triệu đồng/lô.
Bán để thu hồi vốn
Đứng trước tình trạng kinh tế khó khăn, nhiều khách hàng không kinh doanh nổi, trả lại mặt bằng trong khi chờ mãi không có người thuê, nhiều chủ các căn shophouse hay ki ốt chung cư đành phải bán đứt để thu hồi vốn.
Tại Hà Nội, tại khu chung cư HH Linh Đàm, chung cư Kim Văn Kim Lũ, hàng loạt ki ốt thương mại được rao bán. Một ki ốt lô góc tầng 1 có diện tích 180 m2 được chào bán với giá 35 triệu đồng/m2. Hay một ki ốt khác tại chung cư Đồng Phát (quận Hoàng Mai) diện tích 56m2, đang được chào bán với mức giá 3,59 tỷ đồng, tương đương 64 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại dự án Mipec City (quận Hà Đông), một căn ki ốt 82 m2 khác cũng được mời chào với giá 4,95 tỷ đồng, tương đương khoảng 60 triệu đồng/m2.
Tại Tp.HCM, tình trạng rao bán shophouse khối đế cũng đang diễn ra dồn dập. Thông tin trên các trang rao bán bất động sản cho thấy, một căn shophouse khối đế tại quận 2 (Tp.HCM) có diện tích 58m2 được rao bán với giá 28 triệu đồng/m2. Hay 1 căn shophouse khối đế khác tại huyện Bình Chánh (Tp.HCM) có diện tích 60m2, hiện chờ khách với giá 3,5 tỷ đồng, tương đương 58 triệu đồng/m2.
Tại Đà Nẵng, một căn shophouse khối đế có diện tích 56m2 tại quận Liên Chiểu hiện có giá 1,7 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 triệu đồng/m2. Hay một căn shophouse khối đế khác có diện tích 30m2 tại quận Hải Châu cũng được rao bán với mức giá 40 triệu đồng/m2.
Theo Savills Việt Nam, các dịch vụ lưu trú, mặt bằng văn phòng, nhà đất cho thuê đang thuộc những phân khúc khó khăn của thị trường bất động sản. Đây không phải khó khăn tại một thời điểm mà còn có thể kéo dài trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Vì vậy, sự phục hồi của bất động sản cho thuê phụ thuộc vào mức độ phục hồi sau dịch bệnh của nền kinh tế.
JLL Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo các nhà đầu tư shophouse khối đế cần lưu ý nhiều vấn đề như: shophouse khối đế thông thường chỉ có thời hạn sở hữu 50 năm, việc khai thác chủ yếu dựa vào lợi từ cho thuê, nên khi cho thuê không đạt được kỳ vọng sẽ gặp rào cản khi cần bán lại trên thị trường thứ cấp.
Bên cạnh đó, các shophouse khối đế phụ thuộc nhiều vào quy mô dân số trong dự án. Thực tế 80% lượng khách là cư dân sống tại dự án. Nhiều shophouse có lượng khách ngoại khu không cao do thiếu tính kết nối với không gian thương mại bên ngoài. Bên cạnh đó, vì lý do an toàn một số dự án cố ý hạn chế cư dân bên ngoài vào khiến cho việc kinh doanh của shophouse khối đế không tốt.
Vì vậy, nếu lượng cư dân trong dự án không nhiều, hiệu quả kinh doanh của các shophouse khối đế cũng sẽ gặp khó khăn.
Nhìn chung, shophouse khối đế phải đáp ứng các tiêu chí như dự án được đầu tư tốt, mật độ dân cư đông, tỉ lệ căn hộ và số lượng shophouse phù hợp thì mới có hy vọng đắt khách, tỷ suất sinh lời từ việc cho thuê cũng tốt hơn.
Các chuyên gia CBRE Việt Nam cũng cho rằng, shophouse chỉ thực sự tiềm năng khi đạt được các yếu tố như dự án có khả năng lấp đầy nhanh, dịch vụ tiện ích thật tốt, có cộng đồng dân cư nội khu đủ lớn và có sự kết nối thông suốt, thu hút cộng đồng cư dân bên ngoài dự án. Do đó, nhà đầu tư không nên đầu tư vào shophouse trong ngắn hạn, mà phải có kế hoạch trung và dài hạn.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vang-khach-thue-nhieu-shophouse-o-at-rao-ban-a562750.html