Người vay vô cảm khi chủ nợ lâm cảnh khốn cùng

Người vợ không may bệnh nặng, cộng thêm dịch Covid-19 bủa vây, gia đình lâm vào khó khăn nên anh Hà phải nhiều lần đến đòi 20 triệu đồng cho anh Sơn vay trước đó. Điều anh Hà nhận được chỉ là câu trả lời thách thức, vô cảm…

Ngọt lời khi vay, lúc đòi trở mặt

Chứng kiến cảnh anh Đỗ Trung Hà (32 tuổi, ở Kim Sơn, Ninh Bình) nhiều lần đến đòi tiền anh Đặng Bá Sơn (41 tuổi) mà như đi xin, thậm chí có lần còn quỳ xuống rớt nước mắt năn nỉ bạn trả tiền, khiến nhiều người không khỏi ái ngại, bức xúc.

Theo đó, khi anh Sơn nói mở cửa hàng kinh doanh thua lỗ, muốn vay 20 triệu đồng để chi trả nợ nần, anh Hà đã sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng khi gia đình anh Hà gặp hoạn nạn, muốn đòi lại số tiền đã cho vay thì anh Sơn lại không trả, thậm chí còn buông lời thách thức.

Tín dụng đen khiến biết bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.

Qua tìm hiểu, anh Hà làm nghề lái xe du lịch, vợ anh là hướng dẫn viên. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng anh rong ruổi trên khắp nẻo đường, con cái gửi ông bà ngoại chăm sóc. Với sự chịu thương chịu khó, vợ chồng anh Hà cũng tích góp được chút của ăn của để. Nhưng 2 năm dịch bùng phát, du lịch gần như đóng băng, hai vợ chồng thất nghiệp vì không ai thuê xe. Số tiền gom góp được mang ra trang trải sinh hoạt hàng ngày. Đang lúc túng thiếu, vợ anh Hà phát hiện bị mắc bệnh nan y, phải nhập viện cấp cứu. 

Nhớ đến món nợ cho anh Sơn vay, anh Hà gặp anh Sơn yêu cầu anh Sơn trả tiền để có tiền lo viện phí cho vợ. Ban đầu, anh Sơn nại lý do gia cảnh mình cũng khó khăn, khi nào xoay đủ tiền thì trả. Rồi ngày qua ngày, không thấy anh Sơn trả tiền, buộc anh Hà phải nhiều lần thúc giục đòi nợ.

Trong lúc khó khăn, anh Hà thấy trên mạng có nhiều app quảng cáo cho vay tiền với thủ tục nhanh chóng. Vì nghĩ đơn giản là vay để có tiền trang trải viện phí cho vợ, khi đòi được tiền của anh Sơn thì sẽ trả nợ nên anh Hà đánh liều vay của 2 app trôi nổi trên mạng, mỗi app 5 triệu đồng.

Điều mà anh Hà không ngờ tới là số tiền vay qua app cả gốc lẫn lãi tăng nhanh mỗi ngày. Trong khi đó anh Sơn vẫn chây ỳ, không hề có động thái trả nợ.

Anh Hà nhiều lần đến đòi nợ anh Sơn, thậm chí có lần còn quỳ xuống khóc lóc, mong anh Sơn trả tiền cho mình thì nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Có giết thì tao cũng không có tiền trả đâu”. Việc này không chỉ anh Hà mà cả những người chứng kiến không khỏi bất bình. 

Hiện tại, anh Hà vẫn đang gồng mình lo toan cho cả gia đình. Anh phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để trang trải viện phí cho vợ và trả nợ cho app. Cuộc sống gia đình anh Hà thực sự rơi vào cảnh bế tắc.

Cần sửa luật theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng

Trao đổi với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Hiện nay, tuy đã có chế tài nhưng dịch vụ tín dụng đen vẫn ngày càng bùng phát. Vì vậy, cần xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định hành vi cho vay nặng lãi sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, mức chế tài được cho là khá nhẹ so với lợi nhuận mà hoạt động này mang lại, nên chưa đủ sức răn đe tội phạm.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang.

Hiện, người dân vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng do thủ tục phức tạp, quy trình xử lý hồ sơ rườm rà. Trong khi đó, nhu cầu của nhiều người là cần kíp, không thể chờ đợi. 

“Vì thế, ngành ngân hàng cần có những giải pháp tích cực hơn để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lành mạnh,... đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thay vì phải “gõ cửa” tín dụng đen”, luật sư Vinh nói.

Hướng đề xuất của vị luật sư: Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các văn bản để hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

* Tên nhân vật đã được thay đổi 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-vay-vo-cam-khi-chu-no-lam-canh-khon-cung-a562820.html