Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Tại hội thảo “Du lịch Việt Nam 2021 - phục hồi và phát triển” tổ chức tại Nghệ An ngày 25/12, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, lãnh đạo Quốc hội hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa này.
Đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, nhằm làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và Phát triển bền vững”.
“Chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” của hội thảo có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh đất nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ông Mẫn nói.
Ở nước ta, ngành du lịch có nhiều lợi thế và tiềm năng nhờ sự đa dạng về truyền thống lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Phát triển ngành du lịch là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, từ khi có Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 của bộ Chính trị, ngành du lịch liên tục có bước phát triển đột phá: năm 2019, doanh thu từ ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra 2,5 triệu việc làm.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có ngành du lịch. Hoạt động du lịch gần như bị đóng băng; các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động; nhiều người lao động của ngành không có việc làm, phải chuyển sang việc khác.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam chúng ta cũng cần nhanh chóng đón bắt xu thế này”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đối với ngành du lịch: Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững; du lịch đóng góp khoảng 14 đến 15% tổng sản phẩm quốc nội.
5 biện pháp phục hồi du lịch
Cũng tại Hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã đưa ra 5 biện pháp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, nắm bắt xu thế, sớm phục hồi du lịch.
Thứ nhất là tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Do đó, cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.
Thứ hai là tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 30, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết dành ngân sách cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả, toàn diện hơn nữa.
Thứ ba là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững.
Thứ tư, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước.
“Thứ năm là cần tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao phủ hết các đối tượng tác động. Đồng thời, tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo, có các giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/don-bat-xu-the-tang-cuong-nang-luc-canh-tranh-de-phuc-hoi-du-lich-viet-nam-a562854.html