Theo đó, Dân Trí dẫn thông tin từ bộ KH&CN cho hay, các đơn vị chức năng có liên quan đã kiểm tra lại và nhận thấy có sự sai sót trong quá trình tổng hợp, biên tập, kiểm chứng thông tin và cung cấp thông tin để đăng trên Cổng thông tin của bộ KH&CN.
Cụ thể, trong nội dung của thông tin đính chính, bộ KH&CN lý giải việc bộ công bố tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam (do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất) là do "tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống", dù không nêu rõ là báo nào.
Bộ KH&CN cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 25-26/4/2020, một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận.
Căn cứ trên tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống, vào lúc 15h36 ngày 26/4/2020, bản tin "Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận" đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn).
"Sau khi phát hiện có sai sót, để có thời gian xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình, bản tin đã được tạm gỡ trên Cổng thông tin", bộ KH&CN cho biết.
Thông tin về sự việc trước đó, VOV cho hay, ngày 26/4/2020, Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN đăng tải: "Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận". Trong đó nêu rõ: "Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".
Trong khi đó, ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là: “Not Accepted - Không được chấp nhận”.
Gần đây nhất, 10/12, theo danh sách "SARS‐CoV‐2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận sử dụng khẩn cấp (EUL)" đăng tải trên website chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn có tên bộ xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit, mã số sản phẩm VA.A02-055H, số hồ sơ đăng ký EUL 0524-210-00 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.n.
Theo điều tra, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập. Tháng 3/2020, sau khi Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia thông qua, bộ Y tế đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á.
Phan Quốc Việt và thuộc cấp khai lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 của các địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Hải Dương. Việt và ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) thỏa thuận để Công ty Việt Á cung cấp sản phẩm cho CDC Hải Dương sử dụng trước, sau đó mới hợp thức thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Bộ Công an cho rằng Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng.
Trong đó, bị can Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Tuyến gần 30 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng vụ án đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-khcn-chinh-thuc-thong-tin-ve-noi-dung-cong-bo-lien-quan-toi-kit-test-cua-viet-a-a562909.html