Sáng 4/1, sau phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình bày Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Cơ bản hoàn thành vào năm 2025
Trình bày tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Trên hành lang vận tải này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch khoảng 2.063km, đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km và còn 756km chưa đầu tư.
Bộ trưởng GTVT nêu rõ: Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Có thể nói, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.
Với vai trò là trục huyết mạch, cần sớm hoàn thành để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội đã đề ra mục tiêu “đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.
Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn hành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước. Theo đó, Chính phủ ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%), giai đoạn 2026 - 2030 bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.480ha, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được phê duyệt.
Về tiến độ và thời gian thực hiện, Chính phủ cho biết, chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, với tiến độ nêu trên, trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến, các đoạn tuyến phức tạp về kỹ thuật (các công trình cầu lớn, hầm lớn, xử lý đất yếu…) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.
Hoàn thiện cơ chế nhượng quyền thu phí
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về phạm vi đầu tư, theo quy hoạch, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063km, đến nay đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư, tuy nhiên giai đoạn 2021 – 2025 Chính phủ chỉ đề xuất đầu tư 729km, do đó đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ hơn việc đầu tư 27km còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Báo cáo thẩm tra cũng cho biết thực tiễn triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sau khi xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án đã tách công tác giải phóng mặt bằng thành các dự án vận hành độc lập và giao chính quyền địa phương thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương.
"Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng kết kinh nghiệm và có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương để bảo đảm được tiến độ giải phóng mặt bằng“, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.
Về thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí các dự án thành phần của Dự án. Tuy nhiên, cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư đến nay vẫn chưa được ban hành.
Đồng thời, qua giám sát, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy các quy định và công tác tổ chức thực hiện về thu phí tự động không dừng của các dự án giao thông BOT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế về nội dung này.
Về tiến độ hoàn thành Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự án cần khoảng 3 năm để khởi công và khoảng 2 - 3 năm để thi công, khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến. Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành của Dự án.
Ngoài ra, qua kết quả thực hiện giám sát dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy những khó khăn, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng cao, bãi đổ thải...
Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để xử lý những vấn đề nêu trên, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/rot-von-dau-tu-146990-ty-lam-du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam-a563058.html