Mong muốn mang đến diện mạo mới cho môn Văn
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa tại Thủ đô, cô giáo Lương Thu Thủy (SN 1986) ngay từ nhỏ đã có niềm đam mê mãnh liệt với văn chương và ấp ủ những ước mơ sống trong hơi thở của văn chương.
Từng là học sinh của những ngôi trường danh tiếng tại mảnh đất “nghìn năm văn hiến”, ngay sau khi rời mái trường phổ thông, năm 2004, theo sự mách bảo của trái tim, cô nữ sinh 18 tuổi đã chính thức theo đuổi đam mê và trở thành sinh viên khóa 49 khoa Văn học (trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội).
“Ngay từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành giáo viên, khi nhìn thấy các thầy cô đứng trên bục giảng, tôi xem đó như thần tượng vậy. Khi trở về nhà, tôi đã thích hóa thân thành cô giáo, thường biến các em nhỏ thành học sinh và dạy chữ, dạy số cho các em...
Đứng trước ngưỡng cửa đại học, khi tôi bộc lộ muốn tiếp nối truyền thống sư phạm của gia đình, bố mẹ rất ủng hộ. Dù vậy, cũng có chút mâu thuẫn nho nhỏ, đó là mẹ khuyên tôi nên theo sư phạm Ngoại ngữ vì sẽ “hot” hơn, song, tôi cũng đưa ra lý lẽ rằng, mình có tố chất Văn, muốn gieo tình yêu môn Văn cho học sinh và hơn hết, muốn làm cho môn Văn có một diện mạo mới...”, cô Thủy nhớ lại.
Bốn năm sau đó, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, cô được chuyển tiếp lên học khóa 53 cao học Ngữ văn tại trường uy tín trên.
Sau khi nhận tấm bằng Thạc sĩ Văn học xếp loại Xuất sắc, cô may mắn trở thành giáo viên tại chính ngôi trường mà mình đã từng gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ, trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Với khát vọng truyền ngọn lửa đam mê văn chương tới các cô cậu học trò nhỏ, cô giáo trẻ luôn quyết tâm vượt qua mọi trở ngại và luôn kiên định vào con đường mình đã lựa chọn. Cô không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng linh hoạt mọi phương pháp thích hợp để biến các tiết học Ngữ văn trở thành giờ học lý thú, mang đến cho mỗi học sinh những trải nghiệm để trưởng thành vì “Văn học là nhân học” - học văn là học cách làm người.
Nhắc đến ấn tượng khi nhận chủ nhiệm khóa đầu tiên, cô chia sẻ: “Năm đó, tôi nhận chủ nhiệm lớp chuyên Toán của trường. Mà thường thì học sinh chuyên Toán có tâm lý không thích học Văn, vậy nên, tôi đã trăn trở làm sao để dạy Văn như dạy Toán, tức là, tìm cách sơ đồ hóa kiến thức, “công thức hóa” để học sinh thấy môn Văn vốn cũng rất logic, rành mạch, rõ ràng, chứ không hề vô hình hay cao siêu gì.
Cũng nhờ thế, học sinh lớp tôi hào hứng hẳn lên. Trước mỗi giờ Văn, tôi có cả một dàn “vệ sĩ” đứng ở hành lang, mấy bạn nam trong lớp chạy ra đón cô, bạn xách cặp, bạn ôm loa, ôm mic,... vì mong chờ đến giờ học quá”.
Trong suốt 12 năm “đưa đò”, cô Thủy đã được nhận không ít những món quà tinh thần từ học trò, nhưng cô nhớ nhất về một buổi sinh nhật đặc biệt.
“Hôm ấy, bất thình lình, có một bạn nam gọi điện cho tôi, giọng vô cùng lo lắng, nói ở trường có hai bạn đang đánh nhau. Tôi tức tốc sang, chỉ thấy trong lớp tối om. Rồi bất ngờ, bạn thì cầm chiếc bánh kem, bạn thì thắp nến, bạn đeo vòng hoa lên đầu cho tôi, bạn thì bịt mắt và dẫn vào một vòng trái tim giữa lớp... Trên bảng ghi rõ dòng chữ: “Happy birthday boss Thủy”. Cả lớp cùng hát chúc mừng sinh nhật cô...
Chưa hết xúc động, tôi lại nhìn thấy rất nhiều món quà được đặt ngay ngắn trên bàn giáo viên. Những món quà rất đáng yêu, nhìn là biết ngay, học trò hiểu cả sở thích của cô: có sổ tay, bút đỏ, có những cuốn sách, vì biết cô rất thích đọc sách, có hình dán trang trí mùa thu vì cô sinh vào mùa thu, đặc biệt, còn có cả 3 hộp mì tôm hảo hảo, vì cô cực kỳ thích. Có lẽ, đó là buổi sinh nhật mà tôi không bao giờ quên được”, cô mỉm cười.
“Người lái đò” cần mẫn trên truyền hình
Thời điểm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, học sinh phải tạm xa mái trường, xa thầy cô suốt một thời gian dài. UBND thành phố Hà Nội ra quyết định cho đài truyền hình Hà Nội tổ chức ghi hình các bài học còn lại trong chương trình năm học.
Chính trong giai đoạn này, cô giáo Lương Thu Thủy vinh dự trở thành gương mặt được “chọn mặt gửi vàng”, góp mặt trong lực lượng nhà giáo của toàn thành phố thực hiện công tác dạy học trên truyền hình. “Cô lái đò” lại cần mẫn, kiên trì, khắc phục mọi khó khăn để gieo con chữ đến các em học sinh qua sóng truyền hình.
“Tôi còn nhớ, vào những buổi phát sóng đầu tiên, giọng vẫn còn hơi run run, vì đứng trước dàn máy móc, giảng cho biết bao học sinh không chỉ ở lớp mình, trường mình, mà còn là học sinh toàn thành phố, học sinh cả nước, bởi có nhiều tỉnh xin tiếp sóng.
Rồi để chuẩn bị cho những bài giảng trên truyền hình được chỉn chu nhất, có nhiều hôm tôi phải thức thâu đêm suốt sáng. Có những hôm, lúc ngồi vào bàn soạn bài là 10h tối, nhưng lúc gập máy tính lại để nghỉ ngơi là đồng hồ đã điểm 5h sáng. Giai đoạn đó, chính bản thân tôi cũng đã vượt “ngưỡng” chịu đựng của mình, tôi chưa bao giờ thức đêm nhiều như thế!”, cô giáo trẻ bộc bạch.
Các bài giảng đều nhận được phản hồi tích cực từ học sinh trên cả nước bởi cách dạy dễ hiểu, trình bày mạch lạc, giàu chất văn chương, và trên hết là tâm huyết, tình cảm mà cô giáo trẻ gửi gắm trong từng khung hình khi lên sóng.
Nhờ vậy, cô đã được đón nhận giấy khen “Đã có thành tích tham gia dạy học trên truyền hình cho học sinh phổ thông thành phố Hà Nội trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, năm học 2019-2020”. Đó thực sự là một sự ghi nhận, một niềm khích lệ đối với cô Thủy về một kỷ niệm, dấu ấn rất đặc biệt trong hành trình “đưa đò” của mình.
Không chỉ vậy, những bài giảng trực tuyến cũng góp phần khiến cô Thủy thêm tự hào: “Tôi rất vinh dự khi bản thân cũng là một chiến sĩ trên “mặt trận chống Covid”, nhưng theo một cách đặc biệt hơn là mang con chữ đến cho mỗi học trò, để thực hiện chủ trương “Dừng đến trường, không dừng học” của ngành giáo dục toàn quốc”.
Luôn tâm niệm, giàu lòng nhân ái, “yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu”, cô giáo Lương Thu Thủy đã dần gặt hái được những “trái thơm quả ngọt”. “Với tôi, đó chính là sự khôn lớn, thành đạt của biết bao thế hệ học trò đã và đang học tập tại những trường đại học danh tiếng của Thủ đô cũng như ở nước ngoài”, cô bộc bạch.
Trong cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm học 2013-2014, cô giáo trẻ Lương Thu Thủy được hội đồng giám khảo đánh giá cao, mang về cho cô giải Nhì đầy ấn tượng và tiếp thêm động lực để hoàn thiện không ngừng về chuyên môn, về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.
Trong những năm trở lại đây, cô luôn được hội đồng giáo dục nhà trường ghi nhận là một trong những giáo viên xuất sắc trên hai “mặt trận” công tác chuyên môn và công tác chủ nhiệm lớp. Trước bất cứ khó khăn nào, cô Thủy cũng luôn tự nhủ: “Khó khăn như một cánh cửa chắn trước mặt. Chỉ có nỗ lực mới giúp bản thân mài giũa thành công chiếc chìa khóa để giải mã cánh cửa ấy”.
Cô giáo Lương Thu Thủy cũng được đánh giá là một trong những giáo viên chủ nhiệm xuất sắc của trường THCS Trưng Vương. Học sinh các khóa được cô Thủy chủ nhiệm đều ấn tượng với hình ảnh một người giáo viên nghiêm túc, chỉn chu trong công việc, nhưng cũng là người mẹ thứ hai, luôn ấm áp, thấu hiểu tâm lý học sinh.
Cô luôn hướng học trò của mình trở thành những người biết nỗ lực, vững tin, đàng hoàng mà bước tới đích thành công. Nhiều năm liền, cô giáo Thu Thủy được công nhận là Giáo viên chủ nhiệm xuất sắc, như một món quà xứng đáng cho tấm lòng tận tụy của cô giáo trẻ dành cho những “đứa con” của mình.
Nhớ lại một kỷ niệm cảm hóa học sinh, cô Thủy cho biết: “Cũng trong lớp chuyên Toán tôi chủ nhiệm năm xưa, ngay từ lúc mới vào nhận lớp, tôi đã có ấn tượng với một bạn học sinh nam, trông vẻ ngoài rất ngỗ nghịch. Tôi thầm nghĩ, chắc mình sẽ phải lưu tâm nhiều trong suốt quá trình dạy học. Và quả đúng như vậy! Cậu học trò này tuy thông minh, tiếp thu nhanh nhưng nhiều lúc lại hiếu động quá, thậm chí nghịch ngợm, quậy phá trong các giờ học, có lúc còn mạo danh phụ huynh để xin phép nghỉ học.
Tôi biết, học sinh cấp 2 đang ở độ tuổi rất thích thể hiện cá tính, nên đã phối hợp giữa cương và nhu để giáo dục học sinh này. Mặc dù cũng có kỷ luật và thông báo về gia đình để có biện pháp phối hợp, nhưng tôi không bao giờ phê bình trước lớp, vì biết bạn ấy có thể sẽ bị tự ái. Sau mỗi giờ học mà nam sinh này mắc lỗi, tôi thường gọi riêng ra ngoài để phân tích đúng sai, thiệt hơn, hậu quả ảnh hưởng đến người khác ra sao, và hướng đến một điều tích cực hơn. Kỷ luật răn đe là cần thiết, nhưng cũng cần dùng chân tình để thuyết phục, bạn ấy cuối cùng cũng hiểu được, không còn quậy phá nữa, chuyên tâm học hành, vào được trường cấp 3 uy tín và đỗ cùng lúc 2 trường đại học danh tiếng. Đó là điều khiến tôi rất mừng”.
“Hiện tại, đã có không ít học trò cũ trở thành đồng nghiệp của tôi. Học trò trưởng thành, làm nghề nào cũng đáng trân quý, nhưng gặp lại những học trò tiếp tục trở thành “người đưa đò”, tôi vẫn luôn xúc động hơn cả”, nữ giáo viên bày tỏ.
Mỗi ngày, cô giáo Lương Thu Thủy lại một vững tin trên con đường ươm mầm tri thức của mình. Sau 12 năm gắn bó với nghề, cô tâm sự: “Tôi luôn thầm cảm ơn và trân quý những tình cảm nồng ấm, trong trẻo của các thế hệ học sinh đã dành cho mình. Sự trưởng thành của các em chính là một động lực lớn lao để tôi và các đồng nghiệp luôn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp “trồng người” cao quý”.
(Ảnh: NVCC).
Xin được mượn một lời chia sẻ của một học trò, trong rất nhiều những “chuyến đò tri thức” của cô Thủy, thay lời kết lại cho bài viết này:
“Cô Thủy trong tâm trí con là một cô giáo có tâm và có tầm. Con luôn coi cô Thủy như một “người bạn lớn” của mình. Cô luôn đồng hành, dõi theo từng thay đổi , từng tiến bộ của con, san sẻ nỗi buồn, kịp thời cổ vũ, động viên; là một người để con tin tưởng chia sẻ những điều khó nói; để con hiểu rằng: con chưa bao giờ đơn độc giữa cuộc đời bao la; để con thấm thía rằng: Thử thách càng cam go, thì thành quả đạt được càng vinh quang; không bao giờ được từ bỏ ước mơ của mình. Trân quý và biết ơn cô! Chúc Cô sức khỏe dồi dào và tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích trong sự nghiệp giảng dạy của mình, đưa được nhiều “khách” trên chuyến đò tri thức cập bến bờ thành công như khóa học sinh H2 của chúng con”.
Tuệ Linh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-lai-do-tham-lang-a563077.html