Trả lời phỏng vấn ngày 10/1, ông David Nabarro, đặc phái viên về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đại dịch sẽ còn thách thức thế giới trong ít nhất 3 tháng nữa, nhưng triển vọng chấm dứt đại dịch đã ở phía trước.
"Tôi lo sợ chúng ta cứ phải chạy cuộc đua marathon này, nhưng chưa thể nói chúng ta đã gần đến đích, dù chúng tôi đã thấy dấu hiệu kết thúc dịch. Trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt gia tăng đột biến về số ca mắc mới", ông Nabarro nói.
Theo chuyên gia của WHO, "virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục phát triển" và những biến thể mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Các đợt bùng phát có thể xảy ra sau mỗi 3-4 tháng do sự xuất hiện của các biến thể mới.
Đặc phái viên WHO nhấn mạnh cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay rất phức tạp do các nước đang phát triển không đủ khả năng thực hiện những biện pháp hạn chế cứng rắn bởi vì các biện pháp này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Pfizer - ông Albert Bourla cho biết tập đoàn dược phẩm này đang hướng tới mục tiêu ra mắt một loại vaccine chống biến thể Omicron, cũng như các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, vào tháng 3/2022.
Trong những ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục gây lo ngại và bất thường, những vùng dịch "nóng nhất" nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong ngày 10/1, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 700.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/who-du-doan-ve-kha-nang-ket-thuc-cua-dai-dich-covid-19-a563169.html