Chống dịch xuyên Tết: Bệnh nhân còn đó, ai nỡ nghỉ một ngày?

Không chỉ bất kể ngày đêm, nhân viên y tế nơi tuyến đầu còn tự động viên bản thân và đồng đội luôn vững vàng trực chiến xuyên các ngày lễ Tết, bởi, “dịch bệnh nào có nghỉ Tết đâu?!”

Hành trang chống dịch từ Bắc vào Nam

Mùa thi vẫn còn đang dang dở, chàng sinh viên Phạm Quang Lâm (SN 1998, lớp DH50B, hệ 4, học viện Quân y) đã có 3 chuyến chi viện nơi “tâm dịch” từ đầu năm 2021 đến nay.

Đợt đầu tiên, chàng sinh viên quê Hải Dương hăm hở đăng ký chi viện “tâm dịch” Bắc Giang từ ngày 16/5, thậm chí còn quên không “báo cáo” bố mẹ. Sau đó, Lâm cùng các bạn xung phong vào “tâm dịch” TP.Hồ Chí Minh ngay giữa mùa mưa, sau 54 ngày đêm trực chiến mới trở về. Mới đây, chàng sinh viên trẻ lại tiếp tục bỏ dở mùa thi, một lần nữa xông pha vào “thành phố mang tên Bác”, nhận nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch.

Vừa cởi bộ đồ bảo hộ “kín như bưng” đang khoác trên người ra sau ca làm việc, Quang Lâm vừa đưa tay gạt vội mấy giọt mồ hôi trên vầng trán, miệng nở một nụ cười rạng rỡ: “Mỗi lần đi chống dịch với tôi lại là một tâm thế mới. Lần đầu đầy bỡ ngỡ nhưng đầy hào hứng, công việc cũng nhẹ nhàng hơn, chủ yếu hỗ trợ lấy mẫu, truy vết F0; còn chuyến đi thứ hai dù đã quen với đồ bảo hộ, nhưng lại là lần đầu tiên trực tiếp cấp cứu F0 giữa cơn nguy kịch, cảm giác hào hứng xen lẫn bối rối, hơi run và chỉ lo vì mình chưa đủ năng lực mà có ai phải ra đi; còn lần này, khi đã có kinh nghiệm trong tay, chúng tôi đều tự tin hơn rất nhiều”.

a1-chong-dich-1641972179.jpg
Sinh viên Phạm Quang Lâm trực tiếp điều trị, chăm sóc cho F0 trong chuyến hỗ trợ chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi, có lẽ phải nhắc đến trong đợt chống dịch thứ hai, khi bắt đầu làm quen với những cuộc cấp cứu giữa đêm mưa. Tôi là một trong những thành viên của trạm y tế lưu động tại quận Tân Bình, do mới vào, tôi không quen đường sá, lại đúng đợt giãn cách của thành phố, nên có những đoạn đường trong ngõ, hẻm bị rào chắn lại... khiến tôi có lúc như bị lạc trong mê cung vậy.

Vào một đêm, khi nhận được cuộc gọi từ người nhà bệnh nhân đã là 12h, trời đổ mưa tầm tã. Tôi cùng một bạn tình nguyện viên mang theo bình oxy, nhanh chóng chạy xe đến địa chỉ được thông báo. Cả hai không biết đường, để phải tranh thủ thời gian cấp cứu, chúng tôi chia nhau ra mỗi người tìm một hướng. Tôi khoác bình oxy nặng gần 20kg trên lưng, vừa chạy như bay dưới mưa, vừa hô to xem có ai biết địa chỉ ở đâu không... Người dân ở đó ùa ra cửa, nhanh tay chỉ đường cho tôi. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã cứu được ca hôm ấy, là một em bé mới 13 tháng tuổi.

z3068246919671-0f686f30717529d128cad0c31e67c296-1641972179.jpg
Chỉ sau khi đã cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, những chiến binh khoác áo bảo hộ mới thực sự thở phào.

Cho bệnh nhân nhí thở oxy xong, tôi cũng nằm vật ra sàn, thở lấy thở để vì quá mệt. Hôm ấy, khoảng 3h sáng, chúng tôi mới về đến phòng. Tuy mệt, nhưng đây đúng là cảm giác rất tuyệt, tôi thực sự sống cuộc đời của mình, cuộc sống tôi đã ao ước và tưởng tượng từ cách đây 5 năm. Thực sự rất hạnh phúc!”, nét hồ hởi hiện rõ trên gương mặt.

Mặc dù vẫn còn cả một mùa thi đang dang dở, song, Lâm cũng như nhiều học viên, sinh viên khác vẫn luôn sẵn sàng tinh thần và hết mình với những nhiệm vụ tình nguyện, dù ở bất cứ đâu, từ Bắc vào Nam, chỉ cần có nơi cần là sẽ có mặt ngay.

Về thăm nhà... con không nhận ra bố

Đó là câu chuyện của bác sĩ Trần Văn Quang (bệnh viện Lê Văn Thịnh) chuỗi ngày đằng đẵng tham gia chống dịch nơi tuyến đầu từ tháng 6/2021 đến nay. Hết tháng 7, bác sĩ Quang được điều động sang bệnh viện dã chiến số 3, rồi đến giữa tháng 10, khi tình hình dịch bệnh ở TP.Hồ Chí Minh bớt căng thẳng, anh lại cùng đội ngũ y bác sĩ tham gia chi viện cho tỉnh Bạc Liêu.

Trong ký ức của vị bác sĩ này, bệnh viện dã chiến số 3 chính là nơi chống dịch khốc liệt nhất. “Tôi làm ở khoa hồi sức tích cực ICU, vốn là khoa bệnh nặng và có tỉ lệ tử vong cao hơn các khoa khác. Ở đó, bên cạnh những bệnh nhân sau khi được điều trị đã hồi phục, bản thân tôi cùng các đồng nghiệp cũng đã phải chứng kiến không ít những sự ra đi đáng tiếc. Có những gia đình có đến 4 người cùng trở nặng, mà chúng tôi đã cố hết sức để giành giật sự sống nhưng không thể chiến thắng. Đó là những kỷ niệm rất buồn...”, bác sĩ Quang nhớ lại.

a4-chong-dich-1641972179.jpg
Nhân viên y tế vẫn miệt mài chăm sóc bệnh nhân bên trong khoa ICU.

Chia sẻ về nỗi niềm trong lúc vắng nhà triền miên, anh tâm sự: “Vì tình hình dịch bệnh, nhân viên y tế vốn ở bên cạnh và chăm sóc cho bệnh nhân còn nhiều hơn với gia đình. Hồi tháng 11, tôi vừa triển khai nhiệm vụ với đồng nghiệp xong, thì nhận tin bố mẹ ở nhà đã trở thành F0. Kế đến, là vợ tôi. Dù trong lòng “như có lửa đốt”, nhưng tôi đã tự trấn an bản thân: Đã có nhân viên y tế ở nhà lo, còn mình, vẫn còn rất nhiều bệnh nhân đang chờ!”.

Tự dặn bản thân bình tĩnh là vậy, song, sau mỗi ca làm việc, bác sĩ Quang lại không khỏi sốt sắng, gọi video về hỏi thăm cả gia đình.

“Còn nhớ, lúc mới đi chống dịch, con gái thứ 2 của tôi mới được 3 tháng tuổi. Khi đó thì con chưa biết bò, chưa biết gì hết, nhưng có một lần khi kết thúc nhiệm vụ ở bệnh viện dã chiến số 3, tôi được về thăm con, thì con cũng đã bắt đầu tập đi rồi.

Lúc đầu, tôi mới về, con gái cũng thấy lạ lẫm lắm, không nhận ra bố mình. Do lúc đi, con còn nhỏ quá, thời gian tiếp xúc ít quá, lại đi lâu nữa... Cho dù mỗi lúc rảnh rỗi, tôi đều gọi video về nhà, nhưng con còn nhỏ thế, chỉ nhìn qua màn hình cũng chưa cảm nhận được gì nhiều. Tôi ít thời gian ôm ấp, vỗ về con trực tiếp, nên con thấy tôi thì bị lạ...

a2-chongdich-1641972179.jpg
Tranh thủ những phút nghỉ ngơi, bác sĩ Quang gọi điện về cho gia đình.

Sau một thời gian ôm con, vuốt ve, tâm sự với con, mặc dù chưa hiểu gì, nhưng con cũng đã dần quen hơi, cảm nhận được tình thương yêu của bố, lúc ấy, chìa tay bế, con mới chịu theo”, vị bác sĩ nhớ lại kỷ niệm dở khóc dở cười của bản thân.

Tinh thần trực chiến xuyên Tết

Tết Nguyên đán đang đến ngày một gần hơn, song, có lẽ, một ngày Tết đoàn viên đúng nghĩa bên mâm cơm gia đình lúc này đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch đang trở nên quá xa xỉ.

Trong đôi mắt của nữ điều dưỡng Cao Thị Thảo (bệnh viện đa khoa Bưu điện), dường như không giấu nổi cảm xúc: “Quê tôi ở Phú Yên, nhưng tôi làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, và mỗi năm, tôi cũng thường về thăm quê 3-4 lần. Song, năm nay, trước tình hình dịch bệnh, tôi cũng tham gia lực lượng chống dịch từ bệnh viện dã chiến số 3, đến bệnh viện Thanh Vũ (Bạc Liêu),... ròng rã suốt nhiều tháng liền, nên từ Tết năm trước đến giờ, tôi vẫn chưa về thăm ba mẹ.

z2962569748226-5da5849874f8485b02652951c9034171-1641972550.jpg
Điều dưỡng Thảo đã có ròng rã nhiều tháng tham gia chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh và Bạc Liêu.

Tôi vốn là một người rất thích cảm giác gia đình đoàn viên, cả nhà cùng ngồi quây quần, tâm sự bên mâm cơm mẹ nấu. Tôi thèm nhất là món cá kho của mẹ, đã rất lâu rồi tôi chưa được nếm lại... Chỉ mong sao, dịch sớm được đẩy lui, ai cũng sớm được trở về nhà”.

z2962565717474-fb5a5ef98e7f6d0fb4f503dee88b47a4-1641972751.jpg
“Chỉ mong sao, dịch sớm được đẩy lui, ai cũng sớm được trở về nhà”...

Chàng sinh viên Phạm Quang Lâm cũng chia sẻ: “Cho dù có là ngày lễ hay Tết, bệnh nhân vẫn ở đó, nhân viên y tế ai nỡ nghỉ cho được? Dịp Tết Dương lịch vừa rồi, chúng tôi cũng vẫn nhận nhiệm vụ từ sáng sớm đến tận 8h tối. Mãi đến khuya ngày 31/12, mới chợt nhớ ra: Hình như hôm nay là ngày cuối năm? Tuy mệt, nhưng mình đang được làm những điều ý nghĩa, nên chẳng thấm vào đâu. Dù có trực chiến xuyên Tết, chúng tôi vẫn luôn nở nụ cười”.

z3068217586647-1124ea32591753d74fbb1f36ca64f1a9-1641972179.jpg
“Dù có trực chiến xuyên Tết, chúng tôi vẫn luôn nở nụ cười”, sinh viên Phạm Quang Lâm bày tỏ.
269604640-4947981351932422-3172268368726622744-n-1641972998.jpg
TS.BS Lưu Quang Thùy (bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

ĐÓN TẾT ONLINE

Vì nhiệm vụ chống dịch

Bố đón Tết xa nhà

Bố hứa Tết năm tới

Bố nhất định ở nhà

Cả nhà ta đoàn tụ

Quây quần bên mâm cơm

Cùng xem “Vua tiếng Việt”

Xem ai nhiều điểm hơn

Nhổ tóc sâu cho Bố

Bố chải đầu cho con

Chúc cả nhà năm mới

Mạnh khoẻ và An vui

Mấy vần thơ cùi bắp

Không nói được nhiều điều

Chỉ mong mau hết dịch

Được đón Tết OFFLINE.

(Bài thơ là dòng cảm xúc của TS.BS Lưu Quang Thùy - bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - khi đang tham gia chống dịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhân dịp Tết đến, Xuân về).

(Ảnh: NVCC).

Cẩm Mịch

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chong-dich-xuyen-tet-benh-nhan-con-do-ai-no-nghi-mot-ngay-a563220.html