Về mặt dinh dưỡng, bánh chưng là món ăn rất giàu năng lượng và có nhiều dưỡng chất tốt như chất béo, đạm, vitamin (nhân thịt). Theo nghiên cứu, một chiếc bánh chưng trung bình có trọng lượng khoảng 1kg, tương đương 1.810kcal, 1/8 cái bánh chưng sẽ cung cấp 226 kcal - có giá trị dinh dưỡng của một bát cơm đầy có kèm thức ăn. Đây cũng là món "khoái khẩu" của nhiều người, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc thì nhà nào cũng sẽ có bánh chưng. Mặc dù vậy, đối tượng nào nên hạn chế ăn bánh chưng thì không phải ai cũng biết.
Trao đổi với Người đưa tin, ThS.BS. Lê Thị Hải (Nguyên Giám đốc Trung tâm khám và Tư vấn Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết bánh chưng là món ăn phù hợp cho người thiếu cân và đang có nhu cầu tăng cân, người mới ốm dậy, người đang cần nhiều năng lượng. Tuy nhiên, ăn nhiều bánh chưng sẽ không tốt cho một số người mắc phải bệnh lý về chuyển hóa.
“Người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, rối loạn đường huyết, mỡ máu cao nên hạn chế ăn bánh chưng. Đặc biệt thói quen ăn bánh chưng kèm dưa hành không tốt cho người mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch. Phụ nữ đang mang thai cũng không nên ăn bánh chưng nhiều, vì gây khó tiêu và táo bón cho thai phụ”, BS. Lê Thị Hải nhấn mạnh.
Để thay đổi khẩu vị và “dọn dẹp” nốt bánh chưng còn thừa lại sau dịp Tết, nhiều gia đình lựa chọn việc chế biến món ăn thành bánh chưng rán béo ngậy, tăng thêm phần hương vị. Dù là món ăn được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc chiên ngập dầu, đồ ăn có thể gây ra nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.
“Bánh chưng đã chứa nhiều chất béo, khi rán trong dầu mỡ, lượng chất béo lại càng tăng. Ăn nhiều chất béo nguy cơ tăng cân và đặc biệt không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận. Đặc biệt người có tiền sử dạ dày không nên ăn bánh chưng rán, có thể làm cho bệnh lý càng nặng hơn, vì khi bánh chưng rán ăn nhiều khó tiêu gây ra chướng bụng và đầy hơi khó chịu”, BS. Hải chia sẻ.
Theo ý kiến của chuyên gia, mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa 200 – 300g bánh chưng tương đương 2 góc bánh chưng chia 8, khi ăn bánh chưng thì không ăn thêm thực phẩm cung cấp chất bột đường như : xôi, cơm, mỳ, bún phở, miến…Nên bánh chưng vào buổi sáng và buổi trưa, không ăn vào tối để tránh đầy bụng khó ngủ.
Ngoài ra, khi kết hợp bánh chưng và dưa hành cũng không nên sử dụng quá nhiều. Khi ăn dưa hành cùng bánh chưng, nên ngâm dưa hành trong nước ấm để giảm bớt lượng muối có trong dưa, hành.
Bác sĩ Lê Thị Hải cũng khuyến cáo thêm, bánh chưng để lâu sẽ dễ bị lên men, nấm mốc. Vì vậy, khi bánh chưng bị nấm, mốc lan rộng tuyệt đối không nên ăn. Các thực phẩm bị nấm, mốc thâm nhập đều sinh ra độc tố aflatoxin, có thể gây ung thư.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguy-co-tiem-an-cua-mot-loai-thuc-pham-quen-thuoc-dip-tet-a563530.html