1. Bánh chưng
Nhắc đến cỗ Tết miền Bắc phải kể đến bánh chưng, thứ bánh truyền thống được truyền lại từ đời các vua Hùng. Nằm chiếm vị trí trang trọng trong mâm cỗ, chiếc bánh chưng nhà làm nhiều thịt nhiều đậu, thơm mùi lá mùi nếp, xanh màu diệp lục của lá dong được xắt thành 8 miếng đều đặn bằng chính sợi lạt buộc bánh tước nhỏ.
2. Dưa hành
Cùng với thịt mỡ và bánh chưng, dưa hành là một món ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người Việt. Dưa hành thường được muối duy nhất một lần một năm vào dịp Tết. Dưa hành dùng ăn kèm với các món ăn khác sẽ không bị ngấy, đặc biệt là đồ ăn nhiều dầu mỡ.
3. Thịt gà luộc
Trên mâm cỗ cúng trong mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết của người Việt, thịt gà luộc là thứ không thể thiếu. Nhiều gia đình ở quê nuôi gà, vỗ béo cả năm để đến dịp Tết có gà ngon cho cả nhà. Ở thành phố không thể nuôi gà, các bà nội trợ cũng phải cố gắng tìm mọi cách mua hay đặt những con gà ngon nhất cho dịp Tết. Thịt gà luộc tuy là món ăn đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn bởi vị ngọt tự nhiên của gà, kết hợp cùng lá chanh tạo nên cái hương vị riêng thật khó quên.
4. Thịt nấu đông
Nếu trong ngày Tết, các gia đình miền Nam chuộng món thịt kho tàu thì ngoài miền Bắc lại chuộng món thịt đông. Điều này xuất phát do điều kiện khí hậu có sự khác nhau của hai miền. Trong năm mới, thông thường thời tiết miền Bắc sẽ se lạnh, lý tưởng để làm món thịt đông, vừa để được lâu và lại mang hương vị ngon ngon, mềm mềm như thạch. Phần thịt trong như thạch biểu tượng cho sự an lành. Ngoài ra, sự hòa quyện, gắn kết giữa các nguyên liệu trong món thịt đông cũng như một lời chúc may mắn.
5. Nem chua
Nem chua là món ăn làm từ thịt và bì lợn, thêm chút ớt và tỏi, kết hợp với lá ổi hoặc lá đinh lăng được ủ chua lên men đến khi chín. Ngày Tết, cùng gia đình quây quần bên nhau, thưởng thức vài chiếc nem chua chấm cùng tương ớt bạn sẽ thấy được vị chua, giai giai, cay cay trong từng miếng nem.
6. Bánh tét
Bánh tét có ý nghĩa là sự hội tụ của đất và trời, một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Trung. Nếu miền Bắc có bánh chưng được gói bằng lá dong thì bánh tét miền Trung và miền Nam gói bằng lá chuối. Mặc dù giống nhau về nguyên liệu nhưng bánh tét được gói lại thành từng đòn hình trụ. Bánh tét thường chặt bánh và ăn ngon hơn bánh chưng vì được lăn, ép sau khi luộc dễ hơn bánh chưng.
7. Giò lụa
Giò lụa hay chả lụa là tên gọi của món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam từ Bắc vào Nam như một món ăn vừa phổ thông vừa sang trọng, là món ăn phổ biến trong mâm cỗ ngày Tết. Món ăn này có màu trắng ngà, hơi hồng nhạt, trên bề mặt giò hơi lỗ rỗ, ăn có vị thơm, ngọt, giòn.
8. Xào thập cẩm
Khi đã lưng lửng dạ với các món nhậu, bạn sẽ cần một bát cơm để kết thúc bữa ăn; và món xào thập cẩm đóng vai trò quan trọng để dùng với cơm trong bữa cỗ ngày Tết; không chỉ vậy nó còn làm bàn tiệc đẹp mắt hơn với đủ các sắc màu bắt mắt và giúp bạn bổ sung lượng chất xơ cũng như vitamin cần thiết trong ngày.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-mon-an-co-truyen-khong-the-thieu-ngay-tet-2022-a563623.html