Tại hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế" diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 24/1, Bộ trưởng bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước khi đóng góp đạt 10% GDP thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, đại dịch khiến cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác chịu tác động nặng nề về kinh tế, xã hội, đặc biệt là ngành du lịch rơi vào cảnh “đóng băng”, “xuống đáy”.
“Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương có nhiều cố gắng, tìm các hướng đi và giải pháp tích cực phục hồi du lịch; hiện tại, chúng ta cũng đưa ra những thông điệp, dự báo, cùng với việc bao phủ tiêm chủng vắc xin. Đây là cơ hội để xem xét mở cửa thị trường du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết Việt Nam đã thực hiện chương trình thí điểm đón khách quốc tế với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19”.
Trong giai đoạn 1 của chương tình thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vắc xin”, số lượng khách du lịch quốc tế tính đến ngày 23/1 là 8.500 khách đến 3 địa phương Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam.
Mặc dù đã ghi nhận được nhiều tín hiệu “sáng”, tuy nhiên vẫn có nhiều bất cập còn tồn tại như: việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại, thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm; quy định với du khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia các chương trình du lịch trọn gói, tại các điểm được chỉ định sẵn, trong thời gian tối thiểu 7 ngày gây khó khăn trong việc thu hút khách nghỉ dài ngày; chưa quy định được đón khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ và đường biển…
Ông Khánh cho biết để tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, bộ VH-TT&DL đề xuất lộ trình từ nay đến 30/4 tiếp tục chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2.
Cụ thể, mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói thêm tháng 5/2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31).
Do việc công bố sớm thời điểm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19 tương đối cao.
Đề xuất phương án đón khách du lịch quốc tế, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng, điều kiện để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được công nhận ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh; hoặc có Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 trong thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh (có quy định riêng đối với trẻ em và người chưa tiêm đủ liều); có chứng nhận xét nghiệp RT-PCR âm tính COVID-19 trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh; mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả cho điều trị COVID-19 ở mức tối thiểu 50.000 USD.
Đối với doanh nghiệp du lịch, cho phép tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành đều được tham gia đón khách.
Buổi hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị từ các lãnh đạo của nhiều địa phương về việc đề xuất mở cửa hoàn toàn du dịch quốc tế; nên mở sớm để có thời gian làm công tác chuẩn bị, khởi động các điểm du lịch, cơ sở lưu trú…
Theo đánh giá của một số địa phương và doanh nghiệp khai thác khách du lịch tàu biển, việc đón khách du lịch quốc tế bằng đường biển rất có tiềm năng. Hiện nay đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tái khôi phục hoạt động du lịch đường biển, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để tiếp đón các du thuyền cập bến sau ảnh hưởng dịch COVID-19.
Đặc biệt, các hãng tàu quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án khai thác khách trong kỳ nghỉ đông cuối năm 2021. Do đó, bộ VH-TT&DL dự kiến sẽ mở rộng phạm vi đón khách sang đường biển và đường bộ.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét khôi phục lại chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với du khách du lịch từ một số thị trường, chính sách đã có trước khi Việt Nam đóng cửa vào tháng 3/2020, đồng thời cho phép triển khai sớm giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam,cho phép người Việt Nam học tập, sinh sống ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt Nam có thẻ xanh Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia tham gia chương trình thí điểm; cho phép đón khách qua đường biển, đường bộ và các chuyến bay quốc tế thường lệ…
Trước những kiến nghị "mở cửa" du lịch quốc tế từ tháng 5/2022 của Tổng cục Du lịch, nhiều doanh nghiệp hàng không, du lịch đã có đề xuất Chính phủ cho phép đón khách quốc tế ngay từ tháng 2.
Ngày 26/1, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), 6 doanh nghiệp hàng không và 5 doanh nghiệp du lịch lớn của Việt Nam là Vietravel, Saigontourist, Thiên Minh, Sungroup, Bim đồng loạt gửi thư lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sớm công bố thời điểm mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế.
Thay vì mốc 30/4-1/5 như trước đó, các doanh nghiệp đều cho rằng cần công bố sớm, ngay từ đầu tháng 2/2022 mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam.
Việc mở cửa sớm sẽ tạo “lực đẩy mạnh” và để các địa phương cùng các doanh nghiệp có mốc thời gian chuẩn bị, dù mốc thực tế để mở hoàn toàn có thể là 31/3 hay 30/4/2022.
Hơn nữa, các doanh nghiệp này cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để bộ Y tế và các Bộ, ngành cải thiện các quy trình, quy định hiện hành liên quan tới đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, với tinh thần cắt hoặc giảm tối đa các quy định phức tạp, không cần thiết để tăng cường các trải nghiệm chất lượng cho du khách.