Tỷ phú Hứa Gia Ấn cùng những thăng trầm của nhà phát triển Evergrande

Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn từng là tấm gương làm giàu vượt khó, nhưng cũng là bài học kinh doanh khi phát triển nhanh chóng quá phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính.

Tập đoàn Evergrande dưới sự điều hành của vị chủ tịch Hứa Gia Ấn là cái tên thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên phạm vi quốc tế. Evergrande đã là nhà phát triển bất động sản hàng đầu xứ Trung, có mối liên hệ với vô số ngân hàng và các tập đoàn bất động sản khác, trong khi ngành địa ốc chiếm tới khoảng 1/ 4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này. 

Tuy nhiên, “gã khổng lồ” bất động sản ấy hiện “oằn mình” gánh trên lưng núi nợ trị giá hơn 300 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tập đoàn đang nỗ lực huy động tiền nhằm trả nợ cho các bên cho vay cả trong và ngoài nước, những đơn vị cung cấp cũng như ngăn chặn cuộc khủng hoảng thanh khoản có nguy cơ dẫn tới sự sụp đổ.

Thậm chí, một số người đã liên tưởng quả "bom nợ" Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn đến vụ vỡ nợ ngân hàng Lehman Brothers tại Mỹ - sự kiện đã châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thế giới - Tỷ phú Hứa Gia Ấn cùng những thăng trầm của nhà phát triển Evergrande

Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn China Evergrande, tham dự cuộc họp báo cáo kết quả thường niên năm 2016 của tập đoàn tại Hồng Kông, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Vươn lên trong cảnh nghèo khó để trở thành tỷ phú

Ông Hứa Gia Ấn sinh ngày 9/10/1958, xuất thân trong gia đình thuộc tầng lớp lao động tại một ngôi làng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cha của ông là một cựu quân nhân từng tham gia chiến đấu  Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai trong những năm 1930-1940 và sau đó làm việc cho một nhà kho. Người mẹ qua đời không lâu sau khi sinh ông, do đó thời thơ ấu của Hứa Gia Ấn chủ yếu gắn bó cùng bà ngoại.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1975, ông làm việc tại một nhà máy xi măng và nhà kho cùng cha mình. Ông đã ôn luyện lại và thi đỗ Học viện Gang thép Vũ Hán vào năm 1978, chuyên ngành luyện kim.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1982, ông Hứa làm việc tại Công ty Gang thép Vũ Dương 10 năm. Tại đây, ông gặp vợ mình là bà Đinh Ngọc Mai, vốn xuất thân từ một gia đình khá giả. Vợ chồng ông đã có hai con người con. Ông thăng tiến nhanh chóng trong công việc và được thăng chức giám đốc công ty vào năm 1985.

Đến năm 1992, ông Hứa từ chức tại công ty gang thép và chuyển đến Thâm Quyến để đảm nhận vị trí lãnh đạo cho một công ty thương mại.

Năm 1996, ông chuyển đến Quảng Châu và thành lập Tập đoàn Evergrande (Tập đoàn Hằng Đại), trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và thị trường nhà ở phát triển mạnh. Tập đoàn này nhanh chóng trở thành doanh nghiệp địa ốc hàng đầu về doanh số bán hàng toàn quốc, sau đó đã chuyển trụ sở chính đến trung tâm công nghệ Thâm Quyến vào năm 2017.

Thế giới - Tỷ phú Hứa Gia Ấn cùng những thăng trầm của nhà phát triển Evergrande (Hình 2).

Các tòa chung cư đang xây dựng của Tập đoàn Evergrande tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 24/9/2021. Ảnh: Bloomberg.

Vay nợ để phát triển

Theo trang web của công ty, Evergrande Real Estate sở hữu hơn 1.300 dự án tại khoảng 280 thành phố Trung Quốc. Ngoài ra, Evergrande còn mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực với các khoản đầu tư vào xe điện (Evergrande New Energy Auto), công viên giải trí (Evergrande Fairyland), câu lạc bộ bóng đá (Guangzhou FC), công ty nước khoáng và thực phẩm (Evergrande Spring), cùng các công ty khác.

Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hứa Gia Ấn, Evergrande đã thu về hàng trăm triệu USD doanh thu mỗi năm khi được niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào năm 2009. Nhà phát triển mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc xoay vòng nợ phải trả, vay nợ lớn để xây dựng các dự án và rao bán cho khách hàng. Nhà đầu tư và người mua có thể mua bất động sản trước khi chúng được xây dựng.

Theo Washington Post, vào thời kỳ huy hoàng, Evergrande sở hữu đến hơn 200 công ty con ở nước ngoài và gần 2.000 công ty con trong nước, khối tài sản khoảng 2 nghìn tỷ NDT (314 tỷ USD). Theo báo cáo, tính đến năm 2020, Evergrande đạt 76 tỷ USD doanh thu và 18 tỷ USD lợi nhuận gộp. Hãng có khoảng 200.000 nhân viên toàn thời gian và tạo ra khoảng 3,8 triệu việc làm ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, khối nợ của nhà phát triển cũng trở nên chồng chất. Evergrande bắt đầu vay nợ nhiều hơn, chỉ tính riêng từ năm 2014 đến năm 2020 nợ phải trả đã lên tới 200 tỷ USD. Trong khi các khoản nợ của Evergrande bắt đầu tăng nhanh vào năm 2014, khối tài sản của chủ tịch Hứa Gia Ấn cũng tăng theo.

Theo tạp chí kinh doanh Forbes, tài sản của ông Hứa đạt mức 36,2 tỷ USD vào năm 2019, các khoản nợ của Evergrande đã tăng 42,8 tỷ USD cùng năm đó. Với việc sở hữu 71% cổ phần của Evergrande, chủ tịch Hứa Gia Ấn đã thu được 8 tỷ USD cổ tức trong khoảng thời gian từ 2009 (năm công ty IPO) tới năm 2020, khi khoản nợ của Evergrande tăng lên tới hơn 300 tỷ USD như hiện tại.

Quãng thời gian nhiều năm phát triển bùng nổ và vay nợ ồ ạt đã phản lại Evergrande. Công ty lao dốc nhanh chóng, rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" từ cuối năm 2020 sau khi giới chức Trung Quốc siết chặt quy định vay nợ bằng việc ban hành chính sách “ba lằn ranh đỏ”. Trong năm 2021, giá cổ phiếu của China Evergrande trên sàn Hồng Kong đã sụt giảm hơn 80%.

2021 cũng là năm thứ hai liên tiếp ông Hứa Gia Ấn lọt vào danh sách những tỷ phú có giá trị tài sản giảm mạnh nhất của Forbes. Tỷ phú này tiếp tục bị “thổi bay” 18 tỷ USD tài sản, còn ở mức 9,1 tỷ USD, trong bối cảnh “đế chế” kinh doanh địa ốc của ông rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính với khối nợ khổng lồ 300 tỷ USD. 

Thế giới - Tỷ phú Hứa Gia Ấn cùng những thăng trầm của nhà phát triển Evergrande (Hình 3).

Tòa nhà trụ sở chính của Tập đoàn Evergrande ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 11/1/2022. Ảnh: Getty Images.

Nỗ lực cứu Evergrande

Để duy trì sự hoạt động của Evergrande, Chủ tịch Hứa được cho là đã bơm 1 tỷ USD từ tài sản cá nhân vào tập đoàn. Ông cũng buộc phải cắt giảm cổ phần của mình trong công ty.

Trong cuộc họp ngày 26/12 năm ngoái, ông Hứa Gia Ân nhấn mạnh không ai ở Evergrande được phép "nằm yên". Ông thúc giục các nhân viên nỗ lực ngày đêm để tiếp tục việc bán hàng và thanh toán khối nợ. Thông báo của Evergrande cho biết họ đã khôi phục việc hợp tác với hơn 80% đối tác và đã ký kết gần 6.900 hợp đồng với các nhà cung cấp nguyên vật liệu.

Vào ngày 21/1/2022, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande cho biết có kế hoạch thuê thêm cố vấn tài chính và pháp lý để giúp giải quyết các yêu cầu từ các chủ nợ. Động thái diễn ra một ngày sau khi một nhóm chủ nợ quốc tế lớn biết sẽ có hành động pháp lý cần thiết nếu tập đoàn không có thêm biện pháp khẩn cấp.

Hiện tại, vị tỷ phú này đang đối mặt với nhiều sức ép về việc thực hiện quá trình tái cơ cấu khối nợ khổng lồ trong bối cảnh nhiều người dấy lên những quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ lan rộng trên thị trường tài chính Trung Quốc. 

Vào tháng 1 năm nay, chính quyền tỉnh Quảng Đông, nơi đặt trụ sở của Evergrande, đã đề xuất kế hoạch tái cơ cấu nợ cho tập đoàn này vào tháng 3 tới. Theo đó, 60% cổ phần của Chủ tịch Hứa Gia Ấn có thể bị “xóa sổ”.

Như vậy, Chủ tịch Hứa Gia Ấn là một tấm gương giàu nghị lực vươn lên từ xuất thân nghèo khó, đã điều hành Evergrande trở thành một trong những tập đoàn bất động sản khổng lồ nhất Trung Quốc. Câu chuyện Chủ tịch Hứa Gia Ân cùng những thăng trầm của Evergrande là bài học kinh doanh cho chúng ta rằng việc phát triển nhanh chóng bằng vay nợ nhiều sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ty-phu-hua-gia-an-cung-nhung-thang-tram-cua-nha-phat-trien-evergrande-a563745.html