Mối lo mang tên “lạm phát”
Nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021, được hỗ trợ bởi những kích thích tài chính và tiền tệ “chưa từng có tiền lệ” ở các nền kinh tế lớn, đã phục hồi mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh hơn tốc độ mà nguồn cung có thể theo kịp, làm trầm trọng thêm sự gián đoạn mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một điểm đáng chú ý nữa là tình trạng thiếu hụt lao động chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tiền lương và tiền công tăng lên do các doanh nghiệp nâng mức lương cùng các lợi ích khác nhằm thu hút lao động.
Chính sự kết hợp giữa các vấn đề về chuỗi cung ứng và thị trường lao động tiếp tục thắt chặt đã dẫn
đến lạm phát gia tăng ở một số nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng trong năm 2021 cũng gây áp lực lên nguồn cung năng lượng. Với việc nhu cầu điện để vận hành sản xuất tăng vọt hậu đại dịch, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu là không tránh khỏi. Giá năng lượng ở châu Âu, được thúc đẩy bởi các yếu tố như giá rét bất thường, sự cố điện hạt nhân, dự trữ thấp và hạn chế nguồn cung khí đốt từ Nga,đã có lúc tăng vọt ngoài tầm kiểm soát. Giá điện cũng tăng lên những mức kỷ lục, khiến một số ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng như luyện nhôm và sản xuất phân bón ở châu Âu phải tạm ngừng sản xuất hoặc cắt giảm sản lượng. Tình trạng giá năng lượng tăng đột biến cũng làm lạm phát ở châu Âu tăng gấp đôi mức mục tiêu mà các Ngân hàng Trung ương trong khu vực đề ra. Theo Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng với tốc độ hàng năm 6,8% trong tháng 11/2021, mức tăng lớn nhất trong hơn 3 thập kỷ, kể từ năm 1990. Lạm phát ở Mỹ đã tăng mạnh trên 5% liên tục trong nửa cuối năm 2021.
Giá năng lượng và thực phẩm cao hơn ảnh hưởng nhiều nhất đến người tiêu dùng, với chi tiêu của người tiêu dùng chiếm 70% nền kinh tế Mỹ, mức chi tiêu lớn nhất thế giới. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và toàn dụng lao động vào năm 2022, và Fed cần coi lạm phát là rủi ro cấp bách hơn. Do đó, Fed đã ra tín hiệu về siết chặt chính sách tiền tệ thông qua tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu thời đại dịch vào tháng 3/2022 và đưa ra một lịch trình đẩy nhanh việc tăng lãi suất.
Để đối phó với rủi ro lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã gây bất ngờ khi trở thành Ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. BoE tuyên bố họ phải hành động vì họ nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo về áp lực lạm phát tiềm ẩn. Lạm phát, được thúc đẩy bởi sự mất cân đối cung - cầu và những gián đoạn do đại dịch gây ra, đã lan rộng khắp thế giới thông qua các yếu tố toàn cầu như giá thực phẩm và năng lượng cao hơn, và chi phí vận chuyển tăng vọt.
Mức độ lạm phát ở châu Á vừa phải hơn so với ở các khu vực khác trên thế giới, cho phép các Ngân hàng Trung ương khu vực giữ lãi suất ở mức thấp và tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế trong suốt năm
2021.
Tuy nhiên, mức tăng giá trầm lắng ở châu lục này có thể sẽ thay đổi theo hướng được đẩy nhanh hơn trong năm nay. Triển vọng vẫn chưa chắc chắn và các Ngân hàng Trung ương châu Á vẫn nên sẵn sàng siết chặt chính sách nếu áp lực và kỳ vọng lạm phát tăng lên.
Sự mong manh của các chuỗi cung ứng
Lạm phát ngày nay một phần là do sự gián đoạn mà đại dịch coronavirus đã gây ra cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. “Chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên mong manh đến mức chỉ một sự cố nhỏ cũng dễ dàng khiến ảnh hưởng của nó trở nên phức tạp”, chuyên gia của HSBC Holdings Plc. nhận định.
Quả thực, tình trạng thiếu container vận chuyển “kinh niên” và các cảng quan trọng thỉnh thoảng bị
đóng cửa do sự bùng phát của Covid- 19 trong suốt năm qua đã làm những vấn đề trong các chuỗi cung ứng toàn cầu càng thêm dai dẳng. Trong các lĩnh vực như sản xuất hàng điện tử và công nghiệp ô tô, sự tắc nghẽn và thiếu hụt các nguyên liệu đầu vào chính như chất bán dẫn xuất hiện khi nhu cầu của người tiêu dùng phục hồi nhanh hơn tốc độ mà các nhà cung cấp có thể theo kịp trong giai đoạn hậu đại dịch. Đặc biệt, tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã tác động đến ngành công nghiệp
sản xuất ô tô theo nhiều cách.
Gần như bất kỳ sự thiếu hụt hoặc gián đoạn sản xuất nào ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới đều ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô. Thiếu chip chỉ là một trong vô số sự gián đoạn bất thường mà ngành công nghiệp ô tô phải đối mặt, chuyên gia tại công ty tư vấn tài chính AlixPartners LLP cho biết.
Trong năm qua, các hãng sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới như General Motors, Toyota, Ford… từng phải tạm ngừng hoạt động tại một số nhà máy, cắt giảm sản lượng, hoặc sản xuất những chiếc xe chỉ thiếu các bộ phận chip và chờ cho đến khi có đủ các chi tiết còn thiếu thì mới hoàn thiện xe và vận chuyển chúng đến các showroom. Trong khi đó, các đại lý đều khan hàng khi tồn kho ở mức quá thấp, còn khách hàng phải chờ đợi lâu và trả giá cao hơn để mua một chiếc xe mới.
Tất cả khiến giá cước vận tải biển leo thang và buộc một số nhà sản xuất phải chọn giữa tăng giá sản phẩm hoặc đơn giản là hủy đơn hàng xuất khẩu. Cước phí vận chuyển container trên tất cả các tuyến trong năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trên 100%, trong đó phổ biến là mức tăng gấp 5-6 lần, thậm chí có những thời điểm tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Màu sắc nào chủ đạo cho bức tranh kinh tế thế giới 2022?
Nền kinh tế thế giới, theo nhiều cách, đang tiếp tục phục hồi. Quá trình này tuy có những nút thắt, nhưng về cơ bản vẫn có nhiều gam màu sáng. Cũng tầm này cách đây một năm, thế giới chào đón năm mới với hy vọng giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch đã qua khi vắc-xin phòng Covid-19 bắt đầu được chế tạo và phê duyệt đưa vào sử dụng. Các chiến dịch triển khai vắc-xin giúp thế giới đạt được tỉ lệ tiêm chủng nhất định, các loại thuốc viên điều trị Covid-19 được sáng chế và phê duyệt… mang lại triển vọng sáng sủa hơn nhiều cho năm 2021, so với khi đại dịch bắt đầu.
Khi thế giới sắp bước sang năm thứ ba với đại dịch, một lần nữa, Covid-19 lại giáng đòn vào hy vọng phục hồi kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường của nhân loại.
Việc biến thể mới Omicron xuất hiện và lan rộng toàn cầu đã đặt cả thế giới trong tình trạng cảnh giác cao độ. Các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian để xác định mối đe dọa mà siêu biến chủng này có thể gây ra đối với sức khỏe con người.
Bằng chứng ban đầu từ nhiều nghiên cứu về Omicron gợi ý rằng biến chủng này rất dễ lây lan nhưng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Cũng có giả thuyết lạc quan được nhiều nhà khoa học ủng hộ rằng biến thể Omicron có thể là dấu hiệu virus đang mất dần độc lực. "Tôi cho rằng biến thể này là bước đầu tiên trong quá trình virus biến đổi, gây ra những triệu chứng lành tính hơn cho con người", giáo sư Julian Tang, chuyên gia bệnh đường hô hấp Đại học Leicester (Anh), nhận định.
Điều đó có thể nghĩa là sẽ đến lúc Covid-19 không còn là đại dịch mà chuyển thành một loại bệnh đặc hữu, ví dụ như bệnh cúm.“Và lúc đó chúng ta chỉ cần tiêm vắc-xin cho những người dễ bị tổn thương", Giáo sư Julian Tang cho biết.
Tuy nhiên, để có những nghiên cứu đầy đủ hơn về loại “biến thể đáng lo ngại” như Omicron không phải là điều đơn giản. Thế giới cần nhiều thời gian hơn nữa.
Trong giai đoạn chờ có đủ dữ liệu để khẳng định bất cứ điều gì, cũng như mong chờ về một loại vắcxin mới phòng Omicron, một số nước đã triển khai tiêm mũi tăng cường nhằm giúp người dân đạt mức kháng thể cao hơn trước những biến đổi không ngừng của coronavirus.
Để không còn bị tụt lại phía sau một lần nữa, “lục địa đen” đã quyết tâm triển khai chiến lược nhằm tự lực về vắc-xin, với mục tiêu tự sản xuất 60% vắcxin các loại vào năm 2040. Và các dự án sản xuất vắc-xin ở châu Phi đã thu hút đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một vài quốc gia khác.
Về mặt kinh tế, xuất hiện biến thể Omicron "chắc chắn đã cản trở các kế hoạch mở cửa trở lại và có thể làm trầm trọng thêm nhập khẩu lạm phát, khi các biện pháp kiểm soát biên giới và tăng cường kiểm dịch cũng góp phần gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu", Bloomberg dẫn lời Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ tại Oversea-Chinese Banking Corp, cho biết.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cảnh báo rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ăn sâu hơn do hậu quả của Omicron. Biến thể này có thể trì hoãn sự phục hồi, khiến ngay cả một số nền kinh tế lớn nhất cũng có nguy cơ bước vào giai đoạn lạm phát kèm suy thoái (stagflation).
Trước sự hoành hành của Omicron, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs Group Inc. đã tính tới việc dịch bệnh bùng phát trong những tháng đầu năm 2022. Với kịch bản này, họ dự báo, tăng trưởng toàn cầu trong quý I/2022 sẽ ở mức 2%, thấp hơn so với quý IV/2021, và giảm 2,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của họ. Họ cũng hạ 0,4 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng toàn cầu cho cả năm 2022 xuống còn 4,2%. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) lại có nhận định lạc quan hơn, mang lại mảng màu tươi sáng cho năm 2022.
Bất chấp các tác động dai dẳng của Covid-19 và sự xuất hiện của biến thể Omicron, CEBR cho rằng các quốc gia trên thế giới sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế ít siết chặt hơn nhờ khả năng miễn dịch cộng đồng đã được cải thiện hơn nhiều, và việc nền kinh tế thích ứng tốt hơn với đại dịch đồng nghĩa là các biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại sẽ gây ít thiệt hại hơn so với trước đây. Do đó, tổ chức tư vấn kinh tế hàng đầu Vương quốc Anh dự báo, GDP toàn cầu trong năm 2022 sẽ cao hơn so với mức trước đại dịch và lần đầu tiên cán mốc 100.000 tỷ USD.
Ngoài ra, CEBR cho rằng lạm phát sẽ là vấn đề hàng đầu mà các nước cần phải giải quyết trong năm nay và cả những năm tới. Theo Tiến sĩ Tenpao Lee, giáo sư danh dự về kinh tế học tại Đại học Niagara (Mỹ), gần như chắc chắn là giá cả sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2022. “Chúng ta sẽ tiếp tục nghe thấy từ lạm phát trong nửa đầu năm 2022, cho đến khi các vấn đề về chuỗi cung ứng được giải quyết và nền kinh tế toàn cầu được tái cấu trúc”. Tiến sĩ Lee cũng tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ, nhưng về cơ bản nó sẽ không giống như trước đại dịch.
Quá trình phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp tục. Bên cạnh những nút thắt, còn có một cơ hội quý giá cho những cái mới phát triển. Do đó, bức tranh kinh tế 2022 vẫn hứa hẹn có những gam màu tươi sáng.
Minh Đức - Bài đăng trên Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Tết Nhâm Dần 2022
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-mang-mau-sang-toi-trong-buc-tranh-kinh-te-the-gioi-2022-a563768.html