Xuất khẩu rau quả đạt gần 301 triệu USD trong tháng đầu năm 2022

Hoạt động xuất khẩu đến các thị trường như Mỹ, EU,... được các doanh nghiệp duy trì xuyên Tết Nguyên đán đã góp phần tạo nên doanh thu xuất khẩu ấn tượng.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) cho biết, xuất khẩu rau quả đạt mức tăng trưởng cao ngay trong tháng đầu năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1 đạt 301 triệu USD, tăng 0,3% với tháng 12/2021 và tăng mạnh so với mức 260 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Theo báo Đầu tư, hoạt động xuất khẩu được các doanh nghiệp duy trì xuyên Tết Nguyên đán, những lô hàng xuất bán đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Australia...được duy trì đã góp phần tạo nên doanh thu xuất khẩu ấn tượng.

Ngay từ mùng 3 Tết, những chuyến hàng xuất khẩu đi Trung Quốc đã được ra quân, nhiều xe container chở chuối, thanh long,… đã được xuất khẩu sang Trung Quốc từ mùng 3 Tết. Đây là tin vui cho ngành rau quả Việt Nam bởi trước đó phía Trung Quốc thông báo sẽ nghỉ Tết dài ngày, khiến giao thương gặp nhiều trở ngại, ách tắc hàng hóa kéo dài.

Năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, đạt 1,9 tỷ USD, chiếm đến 53,7% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021. 

Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu sang các châu lục trong năm 2021 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng, thì tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm.

Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu rau quả đạt gần 301 triệu USD trong tháng đầu năm 2022

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự tính đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2022. 

Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, năm 2021 cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã có sự dịch chuyển tích cực.

Cụ thể, trong khi chủng loại hàng quả và quả hạch giảm tỷ trọng xuất khẩu, thì chủng loại sản phẩm chế biến lại tăng. Trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến trong năm 2021 chiếm 25,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, tăng 1,5% so với năm 2020. 

Dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu. Ngược lại, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến. Trong khi đó, giá cả, thời gian sử dụng và sự đổi mới là những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng tiêu thụ trái cây và rau quả chế biến

Vnfruit dự tính, nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được giữ vững thì mục tiêu xuất khẩu 3,8-4 tỷ USD có thể thành hiện thực.

Trong đó, dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam. Nhiều thị trường cung cấp hàng rau quả như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Hoa Kỳ… đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, vì vậy hàng rau quả của Việt Nam ngày càng cạnh tranh gay gắt, bên cạnh đó nhiều sản phẩm rau quả của Trung Quốc cũng tương tự của Việt Nam, vì vậy Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách để bảo hộ sản phẩm trong nước.

Phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam giảm xuất tiểu ngạch, thay thế bằng hoạt động chính ngạch và đáp ứng đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch.

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu được thực thi. Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển.

Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của Trung Quốc để tránh bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu.

Tập trung nâng cao giá trị các mặt hàng chiến lược 

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát, nghĩa là chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang, chứ chưa có đề án chiến lược cho từng loại thị trường. Để nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ngành Nông nghiệp tập trung gia tăng chế biến, chú trọng những mặt hàng chiến lược có giá trị cao.

Trao đổi với báo Hà Nội Mới, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho biết, năm 2022, ngành cà phê cũng đẩy mạnh chế biến sâu, nếu các doanh nghiệp có chiến lược tiếp cận đúng đắn thì dễ hấp dẫn thị trường có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ, Nga, Nhật Bản...

“Ngành cà phê Việt Nam phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Thứ hai là tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”, ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.

Ngoài, ra theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, toàn ngành sẽ điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản. Điều này được thể hiện qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Riêng đối với mặt hàng chiến lược như thuỷ sản, Bộ sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra để rút “thẻ vàng” của EC, hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững, hiệu quả.

Ở lĩnh vực lâm nghiệp, việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/FLEGT đã được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU... là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và các nước theo FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA).

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham vấn các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc, để xây dựng Đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tình trạng tới mùa vụ mới đi thu gom nông sản xuất khẩu mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hóa.

"Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chế biến, xuất khẩu, phân tích thị trường trên cơ sở số hoá, khoa học để xây dựng chiến lược dài hạn và ngắn hạn trong từng bối cảnh để xuất khẩu nông sản giữ được thế chủ động", Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết thêm.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xuat-khau-rau-qua-dat-gan-301-trieu-usd-trong-thang-dau-nam-2022-a563787.html