Theo AP, ước tính, hơn 1/3 số người sau khi mắc Covid-19 sẽ gặp các di chứng kéo dài. Giờ đây, khi Omicron đang càn quét toàn cầu, giới nghiên cứu đang phải chạy đua để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị khi có khả năng số lượng người gặp di chứng hậu Covid-19 sẽ tăng vọt.
Tiến sĩ Panagis Galiatsatos, Giám đốc Phòng khám Điều trị Thuốc lá và Trợ lý Giáo sư Y khoa tại Trường Y Johns Hopkins cho biết, một số tác động do biến thể Omicron gây ra sẽ kéo dài và cần thời gian chữa lành lâu hơn. “Hãy nghĩ về một chiếc xương bị gãy, khi xương đã lành, bạn vẫn sẽ có một số triệu chứng trước khi có thể cảm thấy hoàn toàn bình phục", ông nói.
Loại ảnh hưởng lâu dài thứ hai bao gồm những bệnh nhân mắc các bệnh nền và bị virus làm trầm trọng thêm, chẳng hạn như bệnh hen suyễn.
Ảnh hưởng cuối cùng là "bệnh lý rất mới, những bệnh chúng tôi chưa từng đọc trong sách giáo khoa y khoa và chúng tôi đang cố gắng tìm ra chúng trong thời gian thực cách chẩn đoán, cách điều trị", Tiến sĩ Galiatsatos nói.
Rất nhiều bệnh nhân đối phó với bệnh lý mới sau nhiễm Covid-19 đang có những thay đổi đáng kể trong quá trình tự miễn dịch của họ, có thể biểu hiện bằng một loạt các triệu chứng, bao gồm cả mệt mỏi. Các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ, trong đó bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ, thường biểu hiện những thay đổi tự miễn dịch này.
Các chuyên gia y tế bày tỏ sự lo lắng khi mọi người nghĩ Omicron chỉ ở mức độ nhẹ. "Tôi đã nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là chúng ta mất cảnh giác. Nhẹ hơn là một thuật ngữ y tế, được dùng để chỉ về cơ bản có nghĩa là không cần nhập viện", Tiến sĩ Galiatsatos lưu ý.
Phần lớn bệnh nhân mà ông Galiatsatos gặp tại phòng khám là những người đến với các triệu chứng Covid-19 nhẹ nhưng giờ không thể tránh khỏi những tác động kéo dài. “Những triệu chứng này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng có thể hủy hoại cuộc sống", ông nói.
Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, di chứng hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng đến người lớn ở mọi lứa tuổi lẫn trẻ em. Điều này xảy ra phổ biến hơn ở đối tượng nhập viện, nhưng cả những người không nhập viện cũng dễ gặp.
Tiếp viên hàng không đã nghỉ hưu Jacki Graham mắc Covid-19 từ đầu đại dịch nhưng không phải nhập viện. Nhiều tháng sau, bà cảm thấy khó thở, tim đập nhanh, không thể nếm hay ngửi, huyết áp cũng tăng vọt. Vào mùa thu năm 2020, bà mệt mỏi tới mức tập yoga buổi sáng cũng khiến bà phải nằm trên giường cả ngày.
"Tôi là người hay dậy sớm nên cứ gắng sức dậy, nhưng thế là tôi tiêu cả một ngày", bà nói. "6 tháng trước, Covid-19 đã hủy hoại cả cuộc đời tôi".
Hơn 1 năm sau khi mắc Covid-19, Rebekah Hogan vẫn trải qua chứng "sương mù não" nghiêm trọng. Bà cũng phải vật lộn với triệu chứng đau dây thần kinh dữ dội và "chân như sợi bún" - tay chân đột nhiên trở nên mềm nhũn và không chịu được vật nặng. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến con trai 13 tuổi của bà.
Sự đau đớn, mệt mỏi khiến bà không thể tiếp tục công việc điều dưỡng hay làm việc nhà. "Di chứng này có kéo dài vĩnh viễn không?", người phụ nữ 41 tuổi đặt câu hỏi. "Tôi muốn cuộc sống của mình quay trở lại".
Hiện, nhiều nhà khoa học lo lắng di chứng Covid-19 kéo dài ở một số bệnh nhân dễ biến thành một dạng của hội chứng mệt mỏi mạn tính - không thể hiểu rõ về bệnh và không có cách chữa trị. Tuy nhiên, có điều chắc chắn mà một số chuyên gia đều rõ: Di chứng hậu Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các cá nhân, hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế trên toàn thế giới, tiêu tốn hàng tỷ USD.
Ngay cả khi có bảo hiểm, bệnh nhân vẫn mất hàng nghìn USD do họ quá mệt mỏi để làm việc. Cựu tiếp viên hàng không Jacki Graham phải tự trả khoảng 6.000 USD cho xét nghiệm, thăm khám bác sĩ và chăm sóc thần kinh cột sống.
Pretorius, nhà khoa học ở Nam Phi, lo lắng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. “Rất nhiều người đang mất kế sinh nhai, mất nhà cửa. Họ không thể sinh hoạt bình thường được nữa”, bà nói. “Di chứng Covid-19 kéo dài có thể tác động nghiêm trọng hơn nhiều đến nền kinh tế so với Covid-19 cấp tính".
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/omicron-va-noi-lo-di-chung-covid-19-keo-dai-co-the-huy-hoai-cuoc-song-a563788.html