Đề nghị điều tra vụ “thổi giá” thiết bị robot phẫu thuật
Với hành vi “thổi giá” thiết bị y tế để trục lợi, loạt cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã phải nhận những hình phạt nghiêm khắc.
Cụ thể, TAND Tp.Hà Nội đã tuyên phạt ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 7 đồng phạm còn lại bị phạt 2 năm tù treo đến 3 năm 6 tháng tù giam. Trong đó, bị cáo Phạm Đức Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty CP Công nghệ BMS 3 năm tù treo…
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chuyển hồ sơ đến Bộ Công an đề nghị điều tra 7 vụ mua sắm trang thiết bị y tế có dấu hiệu sai phạm hình sự tại Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.
Một trong số đó là việc mua sắm robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội TP.Hà Nội (gọi tắt: Ban QLDA VH-XH Hà Nội).
Thanh tra TTCP cho rằng, việc mua sắm thiết bị y tế (TBYT) nêu trên có dấu hiệu “thổi giá”. Cụ thể, từ năm 2018, Ban QLDA VH-XH Hà Nội ký hợp đồng mua sắm thiết bị robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não với mức giá 38,7 tỷ đồng để lắp đặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Tuy nhiên, kết luận của TTCP nêu rõ: “Giá trị theo hợp đồng của hệ thống robot mà Ban QLDA VH-XH Hà Nội mua là giá quá cao so với giá trị thực tế của hệ thống robot đã đưa vào liên doanh, liên kết tại BV Bạch Mai (10,9 tỷ đồng), cần tiếp tục điều tra làm rõ”.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm: Theo kết luận của cơ quan thanh tra thì robot phẫu thuật tại bệnh viện Thanh Nhàn có giá cao hơn bệnh viện Bạch mai nên việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra là có cơ sở.
“Việc thổi giá thiết bị y tế như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người bệnh, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công, tạo ra sự bất công trong xã hội, làm giảm sút uy tín của cán bộ lãnh đạo và ngành y tế. Bởi vậy, việc xem xét xử lý những sai phạm trong việc mua sắm, hợp tác, liên doanh theo hình thức công tư như vậy là cần thiết, đúng quy định của pháp luật”, Luật sư Cường phát biểu.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Cường phân tích: Trường hợp mua sắm thiết bị y tế của bệnh viện công thì số tiền đầu tư là tiền của nhà nước, việc mua sắm phải thực hiện theo quy định của luật đấu thầu, theo hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu, tùy thuộc vào từng loại thiết bị y tế và trong từng bối cảnh cụ thể. Tuy nhiên dù hình thức mua sắm thế nào thì vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo 07 nguyên tắc được quy định trong luật đấu thầu, phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước có hiệu quả.
“Trường hợp phải tổ chức đấu thầu nhưng lại chỉ định thầu hoặc vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì có quy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước, bởi vậy người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí hoặc các tội danh khác theo quy định của pháp luật phải tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể”, Luật sư Cường cho hay.
Còn đối với trường hợp hợp tác kinh doanh theo hình thức công tư, bệnh viện góp mặt bằng, nhân lực, năng lực quản lý, còn tư nhân góp tiền để mua sắm thiết bị y tế, triển khai các dịch vụ y tế theo yêu cầu mà có sự cấu kết với nhau để nâng khống giá thiết bị, nhằm tăng giá dịch vụ y tế, “móc túi” của người bệnh thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Luật sư Cường thì, hành vi này cũng sẽ bị xử lý như trường hợp xảy ra tại bệnh viện Bạch mai về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nếu phát hiện ra trường hợp có sự tác động vật chất bởi tiền bạc giữa người có chức vụ quyền hạn với doanh nghiệp thì còn có thể xử lý về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ... Về nguyên tắc, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các dấu hiệu sai phạm, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nào thì sẽ khởi tố vụ án về tội phạm đó để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Cần tiến hành một cuộc “đại phẫu” trong lĩnh vực y tế
Luật sư Trần Thanh Lam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp thiết bị y tế cả trong nước và ngoài nước. Những người hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế hoàn toàn có thể nhận biết được giá trị sản phẩm và giá của từng loại sản phẩm. Lãnh đạo các bệnh viện và các cơ quan y tế thì càng phải rõ tính năng, tác dụng, giá cả của từng loại thiết bị.
“Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa có sự quan tâm giám sát hiệu của các cơ quan chức năng dẫn đến việc liên tục xảy ra những trường hợp vi phạm trong việc mua sắm thiết bị y tế, gây thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước, gây thiệt hại đến lợi ích của người bệnh, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền, lãnh đạo ngành y tế”, Luật sư Lam nêu quan điểm.
Nữ luật sư cho biết, theo quy định của pháp luật thì việc mua sắm tài sản công phải được thực hiện theo quy trình, quy định để đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước. Việc mua sắm các thiết bị y tế phải được thực hiện theo quy định của luật đấu thầu, giá mua phải phù hợp với giá thị trường, thậm chí giá cạnh tranh để nhà nước chi phí khoản tiền thấp nhất và mua được hàng hoá tốt nhất.
Nếu các đối tượng cấu kết với nhau thổi giá thiết bị y tế khiến nhà nước phải mua với giá đắt thì thiệt hại trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhà nước phải bỏ số tiền lớn ra để mua sản phẩm chất lượng kém, số tiền chênh lệch thì các đối tượng chia nhau đút túi làm gia tăng những tiêu cực xã hội.
“Còn trường hợp nhà nước hợp tác với doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ y tế thì nhà nước cũng phải đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có chất lượng đồng thời tư nhân góp một khoản tiền tương ứng. Nếu khoản tiền góp đó không được định giá chính xác, bị thổi khống giá lên thì người thiệt hại đầu tiên là người bệnh, sau đó đến nhà nước, trong khi lợi ích chảy vào túi tư nhân và các cán bộ biến chất”, Luật sư Lam nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường lên án mạnh mẽ hành vi trục lợi cá nhân từ người bệnh. Luật sư Cường nhấn mạnh: Trong trường hợp này, các đối tượng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm sai công vụ, vì vụ lợi, vì động cơ cá nhân để gây thiệt hại đến quyền lợi của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân.
“Người mắc bệnh là người đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn, nhiều người phải bán nhà bán cửa, vay nặng lãi để chữa bệnh, vậy mà các đối tượng vẫn nhẫn tâm “thổi giá” thiết bị y tế để móc túi người bệnh chia nhau hưởng lợi, làm thiệt hại đến tài sản nhà nước, uy tín của nhà nước và thiệt hại đến tài sản của công dân. Bởi vậy những hành vi như vậy là rất đáng lên án, tán tận lương tâm và cần phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật”, Luật sư Cường nói.
Theo quan điểm của các chuyên gia pháp lý, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ dấu hiệu sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có căn cứ cho thấy thiết bị đã bị “thổi giá”, có lỗi của cán bộ quản lý và người của doanh nghiệp thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
“Trong quá trình điều tra nếu thấy sai phạm thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào thì sẽ tiếp tục xử lý, khởi tố theo tội danh đó. Vấn đề này cần phải làm quyết liệt, triệt để để thực hiện một cuộc "đại phẫu" trong lĩnh vực y tế, làm trong sạch bộ máy y tế, để các bác sĩ, cán bộ lãnh đạo ngành y tế xứng đáng với niềm tin mà đảng, nhà nước và nhân dân đã gửi gắm trong nhiều năm qua”, Luật sư Cường phát biểu.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/can-thuc-hien-mot-cuoc-dai-phau-trong-linh-vuc-y-te-a563957.html