Ngân hàng nào "nặng gánh" nợ xấu nhất năm 2021?

Tổng nợ xấu năm 2021 của 15 ngân hàng dẫn đầu lên tới 3,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2021. Trong đó, nợ xấu của Techcombank tăng trên 77%.

Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2021 của các ngân hàng, tổng dư nợ xấu của 15 nhà băng hàng đầu đến thời điểm 31/12/2021 đã tăng 7,2% so với cuối năm trước với 83.476 tỷ đồng.

 BIDV bị soán ngôi đầu bảng

Theo thống kê, VPBank - một ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh đã soán ngôi BIDV trở thành ngân hàng có nợ xấu nhiều nhất năm 2021 với 15.887 tỷ đồng nợ xấu, tăng 60% so với mức 9.924 tỷ đồng năm trước, qua đó kéo tỉ lệ nợ xấu từ mức 3,41% lên 4,47%.

Tuy nhiên, nếu tính riêng ngân hàng mẹ VPBank, nợ xấu chỉ tăng nhẹ. Phần lớn trong khối nợ gần 16.000 tỷ đồng nói trên đến từ công ty con là công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, chiếm khoảng 65%. Con số nợ xấu tại FE Credit tăng mạnh được nhà băng này lý giải do tác động của dịch Covid-19. 

VietinBank đứng thứ 2 với quy mô nợ xấu ở mức 14.300 tỷ đồng, tăng hơn 49%, đứng thứ 4 trong top những ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất. Trong khi đó, một ngân hàng thuộc "big 4" là BIDV bất ngờ tụt xuống vị trí thứ 3 khi nợ xấu giảm mạnh 38% so với cùng kỳ, xuống còn 13.245 tỷ đồng. Việc này đến từ việc giảm khối nợ lớn nhất tại ngân hàng là nợ nhóm 5 khi giảm gần 58%.

Vietcombank xếp ở vị trí thứ 4 khi ghi nhận nợ xấu tăng khoảng 17%, từ mức 5.230 tỷ đồng lên 6.121 tỷ đồng. Nguyên nhân nợ xấu tăng mạnh đến từ việc nợ ở cả 3 nhóm 3,4,5 đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nhóm 4 khi tăng gần 333%. Năm 2020, nợ xấu của Vietcombank chỉ xếp vị trí thứ 6 nhưng đến nay đã tăng 2 hạng.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, bảng xếp hạng năm nay xuất hiện hai gương mặt mới bao là HDBank và ACB, với số dư nợ xấu lần lượt là 3.360 tỷ và 2.799 tỷ đồng, tương đương tăng 43% và 52% so với cùng kỳ. Xét về tỉ lệ trên tổng dư nợ thì hai cái tên này vẫn thuộc top các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp toàn ngành.

Sacombank đứng ở vị trí thứ 5, đã giảm được một bậc so với năm liền trước. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu của nhà băng này đã giảm hơn 1% so với năm 2020, từ mức 5.780 tỷ đồng năm 2021 xuống còn 5.721 tỷ đồng. Đây cũng là một trong số ít những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu giảm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. 

Nợ xấu Techcombank tăng 77%

Trong 15 ngân hàng có tổng nợ xấu lớn nhất năm 2021, Techcombank chỉ xếp thứ 12, tuy nhiên, nợ xấu của Techcombank đã tăng trên 77%, từ mức 1.295 tỷ đồng năm 2020 lên 2.294 tỷ đồng. Dù vậy, nợ xấu chỉ chiếm 0,7%. Trong đó, nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.900 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2,8 nghìn tỷ đồng ở cuối quý III/2021.

ABC cũng là một trong những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu tăng cao, từ mức 1.840 tỷ đồng năm 2020 lên 2.799 tỷ đồng, tương ứng tăng 52%. Trong khi đó, top 15 ngân hàng có tổng nợ xấu lớn nhất ghi nhận có 4 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu giảm, gồm: BIDV, Sacombank, SHB và Eximbank. Trong đó, SHB giảm nhiều nhất, ở mức 48% khi giảm từ 5.599 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 2.915 tỷ đồng năm 2021. 

VIB lại có sự gia tăng khối lượng nợ xấu, tới gần 58% - là một trong những ngân hàng có nợ xấu tăng cao. Mặc dù ngân hàng đã khống chế nợ nhóm 5 giảm gần 17% nhưng nợ nhóm 3 và 4 tăng gần 209% và 101% khiến nợ xấu của ngân hàng tăng lên mức 4.670 tỷ đồng.

Mức tăng nợ xấu thấp nhất trong top 15 thuộc về MB khi có nợ xấu tăng nhẹ khoảng 0,6%. MB giảm nợ nhóm 5 gần 41% trong năm qua song nợ nhóm 3 và 4 lại tăng lần lượt gần 61% và 4%. Kết thúc năm qua, MB có mức nợ xấu gần 3.268 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 9. Trong đó, nợ xấu các công ty con chiếm khoảng 28%.

Tổng nợ xấu năm 2021 của 15 ngân hàng dẫn đầu lên tới 83.476 tỷ đồng, tương ứng 3,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với mức 77.837 (tương ứng 3,43 tỷ USD) năm 2020. Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng tư nhân là 49.810 tỷ đồng, chiếm gần 60%.

Nợ xấu có thể tăng nhẹ trong thời gian tới

Trong báo cáo chiến lược tháng 2/2022, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng đối với các ngân hàng có tỉ trọng bán lẻ cao như VPBank, VIB, TPBank, tỉ lệ nợ xấu sẽ sớm được phản ánh trên báo cáo tài chính. 

Ngược lại, nợ xấu phát sinh từ cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn, phụ thuộc vào mức độ hồi phục của nền kinh tế và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy, nhóm chuyên gia cho rằng nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. 

Còn theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI, năm 2022, rủi ro cho nợ xấu ngân hàng là Thông tư 14 về cơ cấu nợ không được gia hạn. Song ngay cả khi trường hợp này xảy ra, tình hình cũng không đến mức báo động, vì nền kinh tế đang dần phục hồi, khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng được hồi phục. Bên cạnh đó, tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu ở nhiều nhà băng lên cao kỷ lục, trong đó ở Vietcombank tới 424% hay ở MB đạt gần 400% và nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng đạt trên 100% cho nợ cơ cấu. 

Chứng khoán SSI cũng cho rằng cơ quan chức năng sẽ thắt chặt hơn việc quản lý chất lượng tài sản ngân hàng, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2022.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi thông tư 52/2018 về đánh giá tổ chức tín dụng và dự thảo sửa đổi nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể thắt chặt hoạt động tín dụng. Ngoài ra, cũng có một số đề xuất nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản thương mại và nhà ở giá trị cao để hạ nhiệt thị trường.

Về các biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu, nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022 nên đang có các đề xuất về việc gia hạn hoặc luật hóa nghị quyết này để hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tồn đọng và nợ xấu liên quan đến dịch Covid-19.

Ngoài ra, có thể nới lỏng một số mốc thời hạn quan trọng giúp các ngân hàng có thêm thời gian thích ứng. 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngan-hang-nao-nang-ganh-no-xau-nhat-nam-2021-a563991.html