Việc đối mặt với các nguy cơ là điều không thể tránh khỏi, yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn trường học là tinh thần, thái độ, sự đồng thuận giữa nhà trường, gia đình, học sinh khi ứng phó với dịch bệnh.
Linh hoạt các phương án học tập
Trao đổi với Người Đưa tin về vấn đề này, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết: “Việc có những trường hợp F0, F1 trong nhà trường là điều không thể tránh khỏi, chính vì vậy để đảm bảo cho việc học tập của các em. Mỗi khối lớp chúng tôi đều có 1 lớp học trực tuyến cho nhóm các em học sinh không thể đến trường.
Nhà trường xây dựng chương trình học, tiến độ của các lớp online giống với các lớp trực tiếp, nên khi các em được đến trường thì vẫn có thể theo đúng tiến độ với các bạn”.
Theo đó, lớp học trực tuyến được tổ chức ngay từ khi học sinh đi học trở lại, sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên phụ trách các môn, không phải đến khi có trường hợp học sinh bị cách ly mới thực hiện. Điều này tạo sự chủ động và an tâm cho học sinh và phụ huynh.
“Nếu trong trường hợp nhà trường có số lượng F0, F1 lớn trong một lớp, toàn bộ lớp đó sẽ chuyển sang học trực tuyến”, cô Quỳnh thông tin.
Về vấn để đảm bảo tâm lý, cô Quỳnh đánh giá: “Điều này rất cần sự đồng hành chia sẻ của các thầy cô giáo, gia đình, nhà trường.
Ngay bản thân học sinh cũng phải hiểu rõ, chúng ta đang đi học trong trạng thái bình thường mới, thích ứng với bệnh dịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng có phòng tư vấn tâm lý cho các em, để hỗ trợ, đồng hành giải quyết các vướng mắc của học sinh”.
Lãnh đạo trường THPT Việt Đức bày tỏ rằng công tác tuyên truyền để các em hiểu rõ về dịch bệnh là rất quan trọng, thông qua các buổi trao đổi, phần nào học sinh có những nhận thức đúng đắn hơn.
Đối với các học sinh phải cách ly đã chủ động thông báo cho nhà trường, từ đây thầy cô có thể nắm rõ lịch trình tiếp xúc của các em để có phương án xử lý thích hợp.
Đánh giá thêm sau gần một tuần đi học trở lại, cô Nguyễn Bội Quỳnh bày tỏ: “Các em đã dần quay trở lại với thói quen, nề nếp học trên lớp. Công tác kiểm tra y tế được diễn ra hằng ngày tại từng lớp học, khi có học sinh có biểu hiện, nhà trường sẽ thực hiện cách ly và test nhanh để đảm bảo an toàn cho các em khác”.
Không nên quá lo lắng
Trước vấn đề việc học sinh phải làm quen với việc có ca F0 trong trường học, Người Đưa tin đã có trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM bày tỏ: “Các địa phương hiện nay không nên lo lắng quá về vấn đề có ca nhiễm trong trường học, trẻ em mắc Covid-19 đều nhẹ hơn người lớn, đặc biệt đã có những nhóm trẻ được tiêm chủng vắc-xin”
Ngoài ra, bác sĩ cũng cho rằng, việc người lớn đã tiêm đủ vắc-xin cũng giúp hạn chế lây lan cho trẻ em.
“Các trường chỉ nên khoanh vùng các nhóm học sinh nhỏ nếu có ca F0 để thực hiện cách ly, không cần thiết cả trường phải nghỉ học gây ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình học tập của các em”.
Bên cạnh đó, nếu các em không đến trường vẫn có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh thông qua gia đình, người thân, các môi trường khác, vì vậy không thể mặc định chỉ đi học mới không an toàn.
Trong trạng thái bình thường mới, đối với các em học sinh, nên chuẩn bị tốt kiến thức phòng bệnh, tuân thủ 5K và tránh lo lắng khi mình thuộc nhóm có nguy cơ. Khi mỗi người có ý thức sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm.
Trẻ tiểu học và lớp 6 Hà Nội đến trường từ 21/2
Dựa trên đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho trẻ tiểu học và lớp 6 ở 12 quận nội thành được quay trở lại trường từ ngày 21/2
Việc tổ chức học trực tiếp được thực hiện theo nguyên tắc: chỉ tổ chức dạy trực tiếp tại các địa bàn dịch cấp độ một và hai.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chu-dong-thay-doi-phuong-an-hoc-tap-thoi-dich-benh-a564008.html