Chất lượng gạo Việt Nam được đánh giá cao
Theo báo Thanh Niên, mấy ngày gần đây giá lúa đang nhích nhẹ vì Trung Quốc mở cửa khẩu trở lại. Các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc... nhu cầu nhập khẩu bắt đầu cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) khiến hạt gạo Việt Nam đứng trước cơ hội lớn.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, ngay sau Tết công ty đã xuất hàng đi 5 quốc gia. Tuy số lượng không lớn nhưng là một khởi đầu may mắn vì xuất toàn gạo thơm, gạo chất lượng cao và giá xuất từ 600 - 1.000 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp, dù đại dịch Covid-19 vẫn còn tuy nhiên tư duy chống dịch đã thay đổi nhiều. Hầu hết các nước đã mở cửa hoàn toàn cho các hoạt động tự do thương mại. Những nước sau một thời gian chống dịch cực đoan sẽ mở cửa trở lại và tăng nhập khẩu để đảm bảo tiêu dùng cũng như dự trữ quốc gia. Đối với thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc, số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, dự tính đến giữa năm 2022 nước này sẽ tích trữ đến 60% lượng gạo. Chính vì vậy, năm mới dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cũng có chung những dự báo lạc quan cho ngành lúa gạo dù ở thời điểm hiện tại nhiều khách hàng chưa vội ký hợp đồng mà vẫn chờ khoảng 2 tuần nữa để được giá tốt hơn sau khi người dân thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tuy nhiên, năm nay chi phí đầu vào, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng mạnh nên giá thành sản xuất lúa rất cao, lợi nhuận của nông dân khá “mỏng”.
“Trên thị trường thế giới, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang là 393 USD/tấn, chỉ thấp hơn Thái Lan 8 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn gạo Ấn Độ 55 USD/tấn và Pakistan 45 USD/tấn. Điều này cho thấy giá cả và chất lượng gạo Việt Nam đang được đánh giá cao”, ông Đôn so sánh.
Ngoài các thị trường truyền thống, gạo thơm và gạo chất lượng cao của Việt Nam những năm gần đây còn xâm nhập và dần chiếm lĩnh các thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… Điển hình như thị trường EU, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu năm 2021 tăng 9,3% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo Việt Nam cũng có mức tăng mạnh nhất so với các nguồn cung khác, tới 20% và đạt trung bình 781 USD/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, măm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường này. Theo cam kết trên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn hằng năm. Hiệp định EVFTA đang tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho gạo Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh lớn vẫn chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc.
Bài toán chi phí đầu vào
Trong các tháng sắp tới, nhiều doanh nghiệp lúa gạo cho biết đang tiếp tục nhận được những đơn hàng giá trị cao với số lượng lớn từ nhà nhập khẩu. “Chúng tôi đã liên tục xuất khẩu các đơn hàng cho đối tác trong 2 tháng đầu năm nay. Từ tháng 3 trở đi, chúng tôi sẽ tiếp tục giao khoảng 15.000 tấn gạo 100% tấm sang thị trường Hàn Quốc với giá 369 USD/tấn, cao hơn mức giá bình quân của Việt Nam đang chào bán khoảng 31 USD/tấn. Ngoài thị trường Hàn Quốc, chúng tôi đã có một số hợp đồng đi các nước EU và châu Á khác”- ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ với báo Công nghiệp.
Tuy vậy, cũng như các ngành hàng khác, doanh nghiệp lúa gạo, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với chi phí đầu vào như cước tàu biển, chi phí vận tải nội địa, giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng quá mạnh… khiến chi phí sản xuất bị đội lên, ăn mòn vào lợi nhuận.
“Việc giá xăng dầu tăng mạnh trong gần 2 tháng đầu năm nay cộng với các chi phí đầu vào như nguyên liệu, cước tàu biển đang ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu của chúng tôi. Bởi lẽ khi giá xăng dầu tăng thì các dịch vụ khác như vận tải trong nước, chi phí nguyên liệu… sẽ lại xu hướng tăng theo, từ đó kéo chi phí sản xuất tăng.
Để duy trì sản xuất chúng tôi phải cân đối giảm giá thành hàng hóa ở mức cho phép, đồng thời giảm mua lúa gạo vào thời điểm hiện tại để tránh lỗ”, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice thông tin thêm.
Từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị
Trong bối cảnh đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp lớn đầu ngành sản xuất lúa gạo đã và đang từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị của mình để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo. Cụ thể những doanh nghiệp đầu ngành như Lộc Trời, Tân Long, Vinaseed, Trung An… ngoài đầu tư vùng nguyên liệu theo mô hình hợp tác với người nông dân còn đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại vào canh tác lúa nhằm tạo ra cánh đồng thông minh, giúp tăng năng suất và giảm công sức cho người nông dân.
Chẳng hạn với Tập đoàn Tân Long, vào ngày 8/2/2022 đã cùng UBND tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang.
Theo chia sẻ từ ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, kế hoạch này được đánh giá là cơ hội thuận lợi giúp người trồng lúa đảm bảo được đầu ra nhờ cơ chế nông dân canh tác theo đơn đặt hàng và định hướng thị trường từ doanh nghiệp; giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào; ứng dụng đồng bộ công nghệ - khoa học kỹ thuật tạo nên những cánh đồng thông minh và sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng tốt nhất nhờ hệ thống xử lý sau thu hoạch hiện đại.
Hay với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, vào ngày 9/2 vừa qua ngoài thành lập 2 công ty thành viên đã ký kết mua bán - tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12 ngàn tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản, các ngân hàng. Theo Lộc Trời, đơn hàng 2 triệu tấn lúa và hợp đồng tài trợ 12 ngàn tỷ đồng là minh chứng cho sự tin tưởng của các đối tác trong nước và quốc tế đối với mô hình kinh doanh tổ chức sản xuất quy mô lớn theo đơn hàng của Lộc Trời. Đây cũng là nền tảng để ứng dụng quy trình sản xuất khoa học, giảm lượng giống sử dụng, giảm phân bón - thuốc, quản lý tốt tài nguyên nước, từ đó giảm giá thành, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xuat-khau-gao-tang-manh-thang-dau-nam-2022-du-bao-lac-quan-a564009.html