Theo các chuyên gia y tế, COVID-19 có thể gặp ở mọi độ tuổi và tất cả bệnh nhân đều có nguy cơ xuất hiện di chứng hậu COVID -19.
Theo báo Tiền Phong, mới đây, tại Hội nghị khoa học thường niên Medlatec Group “Quản lý chất lượng và phòng, chống COVID-19”, nói về vấn đề hậu COVID-19 gây ra những di chứng gì, PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hô hấp Medlatec cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới, chỉ có từ 10-20% người mắc COVID-19 có biểu hiện hội chứng hậu COVID-19. Hậu COVID-19 có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi mắc bệnh và tồn tại kéo dài trên 12 tuần.
Tuy nhiên bác sĩ Phượng khuyến cáo không phải tất cả những người mắc đều phải đi khám hậu COVID-19. “Điều này rất lãng phí. Chỉ những người nào có triệu chứng thì mới đi khám", PGS Phượng nói.
Bà Phượng cho biết thêm, đối tượng dễ gặp các di chứng hậu COVID-19 là người có các bệnh lý nền, bệnh nhân phải nhập viện nằm ICU dài ngày. “Ở trẻ em thì vấn đề hậu COVID-19 không đáng quan ngại”, TS Phượng thông tin thêm.
Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân từng phải điều trị hồi sức tích cực. Sau nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh, người bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực…
Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung.
Người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… nếu mắc COVID-19 có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.
Theo báo Lao Động, lý giải nguyên nhân vì sao khi đang dương tính bệnh nhân thấy bình thường nhưng khỏi rồi lại rất mệt mỏi, chân tay yếu, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng cho biết:
Do lúc đầu, tình trạng viêm chưa lan tỏa toàn thân mà còn khư trú ở một số cơ quan trên cơ thể. Sau đó, tình trạng viêm dù nhẹ nhưng lan tỏa toàn thân, kết hợp với tình trạng rối loạn đông máu ở các mạch máu nhỏ khiến cơ thể có những triệu chứng trên đây, dù người bệnh đã âm tính cả tháng. Điều này có nghĩa là, tình trạng viêm có thể đã diễn ra từ khi bệnh nhân dương tính nhưng không biểu hiện rầm rộ mà khi âm tính rồi mới "phát tác".
Ngoài ra, trong giai đoạn cấp khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch phải "gồng lên để chiến đấu" với virus nhưng sau đó hậu quả là, cơ thể bị kiệt quệ năng lượng.
Từ những triệu chứng và một số nguy cơ có thể gặp phải ở bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, bác sĩ Hoàng khuyên những người xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19 điều chỉnh chế độ ăn uống, cố gắng vận động nhẹ nhàng, kiên trì, phù hợp sức khỏe; dùng những loại thuốc hỗ trợ như vitamin, khoáng chất...
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-f0-nao-can-di-kham-hau-covid-19-a564109.html