Hãng tin DW nhận định, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đưa ra sẽ không chỉ tác động lên nền kinh tế Nga mà còn có thể ảnh hưởng tới nhiều nơi trên thế giới, từ châu Phi tới châu Âu, gây ra tình trạng lạm phát và thiếu lương thực.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đối với Nga là một "cuộc chiến kinh tế" chống lại Nga, khiến nước này bị loại khỏi thị trường tài chính quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt này đã khiến Nga đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính, với việc đồng ruble lao dốc xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Diễn biến này đã khiến nhiều người Nga lo ngại và phải đến các ngân hàng xếp hàng đợi rút tiền mặt.
Tuy nhiên, Nga không phải quốc gia duy nhất phải nhận sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Từ Ai Cập, đến Đức, các nền kinh tế của nhiều quốc gia cũng đã phải chịu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt trên.
Giá nhiên liệu tăng cao
Giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng vọt sau một đợt trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga hồi cuối tuần qua khi các thương nhân chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung từ Nga, một trong những nhà xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới và Ukraine, quốc gia trung chuyển khí đốt chính của Nga.
Cho đến nay, các lệnh trừng phạt vẫn chưa nhằm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng, nhưng các thương nhân lo ngại Moscow có thể trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt và các lệnh trừng phạt của phương Tây cuối cùng có thể được mở rộng để gây tổn hại trực tiếp đến lĩnh vực năng lượng, vồn được ví là "con ngỗng đẻ trứng vàng" của Nga.
Ông Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, nhận xét: "Nguồn cung năng lượng của Nga có rất nhiều rủi ro, có thể được Nga giữ lại làm vũ khí hoặc bị cấm vận do các lệnh trừng phạt".
Cũng có những lo ngại rằng việc loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT có thể khiến việc mua dầu và khí đốt của Nga trở nên phức tạp hơn. Trong đó, các ngân hàng châu Âu Societe Generale và Credit Suisse được cho là đã ngừng cấp vốn cho tất cả các mặt hàng từ Nga.
Điều đó đang khiến nhiều người ở châu Âu, nơi dùng hơn 1/3 nguồn cung cấp khí đốt và khoảng 1/4 lượng dầu từ Nga, cảm thấy lo ngại. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc cung ứng nhiên liệu cũng có thể khiến châu Âu rơi vào cảnh thiếu khí đốt để sưởi ấm.
Nhà phân tích Jim Reid của Deutsche Bank cảnh báo: "Hãy thận trọng bởi nguy cơ về những thiệt hại lớn hơn có thể đang đến".
Giá cả thực phẩm tăng vọt
Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thực phẩm từ ngũ cốc như lúa mì, ngô và các loại hạt. Giá lúa mì kỳ tại Chicago đã tăng mạnh sau khi chạm đỉnh vào cuối tháng 2, trong khi giá ngô cũng đang giao dịch ở mức cao.
Nga và Ukraine cùng chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, gần 1/5 lượng ngô thương mại và khoảng 80% lượng dầu hướng dương. Cả hai đều là những nhà cung cấp lúa mì chính cho Trung Đông và châu Âu. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất của Nga.
Các chuyên gia lo ngại rằng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ tiếp tục làm tăng giá thực phẩm ở các nước như Libya, Yemen và Lebanon, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng lương thực vốn đã nghiêm trọng ở các nước này.
Xung đột đã làm gián đoạn xuất khẩu từ các cảng Biển Đen, nơi vận chuyển ngũ cốc đến châu Á, châu Phi và Liên minh châu Âu. Hôm 28/2, Ai Cập đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch thu mua lúa mì sau khi nhận được một vài lời đề nghị với giá rất cao.
Lạm phát tiếp tục trầm trọng
Đối với hầu hết mọi người trên thế giới, tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt sẽ tác động nhiều nhất dưới dạng lạm phát chủ yếu do giá năng lượng, kim loại và thực phẩm cao hơn.
Giá nhôm đã tăng lên mức cao kỷ lục, vượt qua mức đỉnh đạt được vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các thương nhân lo ngại rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và các biện pháp trả đũa từ Moscow có thể làm gián đoạn nguồn cung nhôm toàn cầu. Được biết, Nga là nhà sản xuất chiếm khoảng 6% lượng nhôm trên thế giới.
Việc cung cấp kim loại sử dụng nhiều năng lượng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu cao hơn và tình trạng thiếu điện có thể khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Ông Jason Tuvey từ Capital Economics nhận xét: "Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mới là một rủi ro chính và ít nhất, giá các mặt hàng này có thể sẽ vẫn tăng cao trong một thời gian, khiến lạm phát toàn cầu trầm trọng hơn trong thời gian dài".
Cuộc khủng hoảng Ukraine được cho là có nguy cơ làm chệch hướng phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch, làm phức tạp thêm các vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách, những người dự kiến sẽ thắt chặt nguồn cung tiền tệ để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao hàng thập kỷ.
Sự không chắc chắn xung quanh đà phục hồi kinh tế cuối cùng có thể trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, có nghĩa là các khoản thế chấp siêu rẻ và các khoản vay cá nhân có thể tồn tại lâu hơn một chút.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cac-lenh-trung-phat-nham-vao-nga-se-tac-dong-the-nao-toi-the-gioi-a564339.html