Các chuyên gia lý giải việc vạch kit test Covid-19 lúc mờ lúc đậm

Nếu kit test nhanh cho hai vạch, bất kể màu đậm nhạt, bạn nên tự cách ly và theo dõi sức khỏe.

Sau khi tiếp xúc nguồn lây, có nhiều người đã quá lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kit xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test.

Các chuyên gia khẳng định việc này không cần thiết và gây lãng phí bởi, sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 3-4 ngày sau hãy test.

Nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp… nếu test cũng không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Nếu bạn không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau tiếp xúc F0.

Sức khỏe - Các chuyên gia lý giải việc vạch kit test Covid-19 lúc mờ lúc đậm

Nếu kit test nhanh cho hai vạch, vạch T có thể nhòe hoặc mờ, bạn vẫn nên tự cách ly và theo dõi sức khỏe. (Ảnh: Quốc Tiệp).

Ngoài ra, liên quan đến độ đậm nhạt của vạch kit test nhanh, các chuyên gia cho rằng nếu kit test nhanh cho hai vạch, bất kể màu đậm nhạt, bạn nên tự cách ly và theo dõi sức khỏe.

Theo Tiến sĩ Amesh Adalja, Học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết: "Có rất nhiều lý do khiến vạch T bị mờ. Một trong số đó có thể là tải lượng virus của bạn thấp, độ nhạy của que test không cao hoặc mẫu bệnh phẩm không chuẩn", Tiến sĩ Amesh Adalja, Học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết.

Trong khi đó, theo hướng dẫn về phòng tránh dịch bệnh của chính phủ Anh đăng tải trên trang web gov.uk, "vạch chữ T dù mờ cũng cho thấy kết quả xét nghiệm là dương tính".

"Vạch này có thể nhòe hoặc mờ, nhưng đó vẫn là kết quả hợp lệ và phải báo cáo trước khi thực hiện thêm xét nghiệm PCR để xác nhận kết quả", hướng dẫn cho biết.

Tiến sĩ Connor Bamford, nhà virus học của Đại học Queen nhận định, dù có mờ đến mức nào nhưng nếu vạch T xuất hiện, nhiều khả năng là bạn đang mang virus.

“Vạch T đậm hơn có nghĩa là nhiều virus hơn. Nếu nhạt tức là ít virus hơn", ông Bamford giải thích.

Tiến sĩ Nathan Hudson-Peacock, bác sĩ cấp cứu tại London cho rằng vạch chữ T có thể không nhất thiết đồng nghĩa với kết quả dương tính nếu nó xuất hiện sau khung thời gian quy định.

"Nếu vạch dương tính mờ xuất hiện sau khung thời gian quy định, nguyên nhân có thể là do ô nhiễm về thực phẩm hoặc do một số chất gây ô nhiễm khác. Cũng có thể nồng độ virus trong bạn rất thấp. Nếu không xuất hiện triệu chứng ở thời điểm xét nghiệm, nguy cơ lây nhiễm cho người khác thấp hơn", Nathan Hudson-Peacock cho hay.

Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) của Anh khẳng định “không có xét nghiệm nào đáng tin cậy 100%" và khuyến cáo các bệnh nhân test nhanh dương tính nên làm thêm xét nghiệm PCR để tránh tình trạng dương tính giả.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, test nhanh âm tính chỉ mang ý nghĩa nguy cơ lây nhiễm của F0 thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Do đó, người bệnh vẫn phải tiếp tục theo dõi sức khỏe, đo SpO2 đủ 10 ngày.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cac-chuyen-gia-ly-giai-viec-vach-kit-test-covid-19-luc-mo-luc-dam-a564383.html