Nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) được công bố trên tạp chí Nature hôm 7/3 chỉ ra rằng, ngay cả khi mắc COVID-19 thể nhẹ cũng có thể khiến cấu trúc não thay đổi ở các khu vực liên quan đến khứu giác, trí nhớ, nhận thức và cảm xúc.
Dự án nghiên cứu này dựa trên các đánh giá về dữ liệu quét não từ Biobank của Vương quốc Anh. Được biết, đây là cơ sở dữ liệu lớn về thông tin sức khỏe chuyên sâu của hơn nửa triệu người trưởng thành tại đất nước này.
Giáo sư dự bị Gwenaëlle Douaud tại Đại học Oxford và các đồng nghiệp đã nghiên cứu trên tổng cộng 785 người trong độ tuổi 51 – 81 có thực hiện chụp MRI não trong 38 tháng gần đây. Những người tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm.
Nhóm đầu tiên gồm 401 người từng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hầu hết những người này đều mắc COVID-19 thể nhẹ, tự điều trị ở nhà hoặc không có triệu chứng. Nhòn thứ hai có 384 người xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu đã cho thấy tác động liên quan đến SARS-CoV-2 là “đáng kể và có hại”, chủ yếu ở hệ não giác và khứu giác – những khu vực chịu trách nhiệm về cảm xúc, trí nhớ và khứu giác. Nhóm nhiễm SARS-CoV-2 bị mất 1,3-1,8% chất xám trong não, trong khi người bình thường ước tính mất 0,2-0,3% chất xám mỗi năm trong khu vực não bộ liên quan đến trí nhớ khi họ già đi.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định được kích thước tổng thể của tiểu não – vùng não liên quan đến nhận thức, đã bị thu hẹp nhiều hơn ở nhóm mắc COVID-19. Những thay đổi này liên quan đến sự suy giảm nhận thức, có thể khiến một người mất nhiều thời gian hơn để trả lời các câu hỏi trong các bài kiểm tra nhận thức tiêu chuẩn.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm những người mắc bệnh viêm phổi làm nhóm đối chứng, từ đó đưa ra kết luận rằng sự thay đổi ở não là đặc điểm đặc trưng của những người hồi phục sau khi mắc COVID-19. Theo bà Douaud, những bất thường trên xảy ra có thể do những người nhiễm bệnh bị mất khứu giác.
“Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh việc mất khứu giác lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến tình trạng mất chất xám ở các vùng não liên quan đến khứu giác”, bà Douaud cho biết trong một tuyên bố.
Bà chia sẻ thêm: “Một cách giải thích khác có thể là do tác động của chính virus vì chúng xâm nhập vào não hoặc gây ra các phản ứng viêm hay miễn dịch. Hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao sự xâm nhập hoặc các phản ứng viêm, miễn dịch như vậy chủ yếu được nhìn thấy ở các vùng cụ thể của não mà không phải những bộ phận khác”.
Bà Douaud cho rằng những bất thường về não nói trên có thể ít biểu hiện rõ rệt hơn theo thời gian nếu khứu giác được phục hồi. Tác hại của virus, dù trực tiếp hay gián tiếp qua phản ứng viêm hoặc phản ứng miễn dịch có khả năng giảm theo thời gian sau khi mắc bệnh. Kết quả của một số nghiên cứu nhỏ trước đây chỉ ra các vấn đề được phát hiện trong hình ảnh y khoa về chức năng của não có thể cải thiện một phần sau hơn 6 tháng kể từ khi nhiễm bệnh.
Trong khi đó, giáo sư Anthony Hannan ở Đại học Melbourne lại nhận định có những nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra những thay đổi não nói trên ở những người mắc bệnh tham gia nghiên cứu.
“Vẫn còn phải xác định xem liệu việc mất chất xám và gia tăng tổn thương mô ở các vùng rìa có thể làm tăng các vấn đề liên quan đến trí nhớ ở những bệnh nhân tham gia nghiên cứu hay không”, nhóm tác giả nghiên cứu cho hay.
Được biết, các nhà khoa học sẽ tiếp tục đánh giá hình ảnh và tiến hành bài kiểm tra với những người tham gia nghiên cứu trong 1-2 năm tới. Họ lưu ý những phát hiện nói trên chỉ mang tính thời điểm nhưng kết quả nghiên cứu "cho thấy khả năng về hậu quả lâu dài của việc nhiễm virus SARS-CoV-2 liên quan tới bệnh Alzheimer hoặc các dạng khác của sa sút trí tuệ".
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mac-covid-19-anh-huong-ra-sao-den-nao-bo-a564469.html