Ngày 11/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam cựu Thứ trưởng Bộ Y tế.
C03 xác định một số người liên quan tại Bộ Y tế đã không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty Dược Cửu Long.
Theo kết quả điều tra xác định được các bị can đã không kiểm tra làm rõ việc Công ty Dược Cửu Long chưa trả nhà cung cấp nguyên liệu số tiền 3,848 triệu USD. Đây là số tiền được giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đã bị công ty giữ lại, sử dụng hết, không trả lại Bộ Y tế gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, Dược Cửu Long đã có thông cáo báo chí khẳng định rằng đây là các vấn đề pháp lý của giai đoạn cũ, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động hiện nay của doanh nghiệp.
Theo đó, phía công ty có đưa ra phản hồi cho một số thắc mắc của các nhà đầu tư, cổ đông cũng như dư luận xã hội như sau:
Thứ nhất, sự việc liên quan đến hợp đồng sản xuất thuốc Oseltamivir của Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Dược Cửu Long, MCK: DCL) đã diễn ra từ giai đoạn 2005-2007 khi doanh nghiệp vừa cổ phần hóa và chưa niêm yết, cổ đông Nhà nước vẫn nắm chi phối, trước khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán cổ phiếu DCL trên sàn giao dịch chứng khoán. Ở thời điểm diễn ra sự việc này thì CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT) vẫn chưa là công ty mẹ của Dược Cửu Long và không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại công ty này.
Thứ hai, liên quan đến các vấn đề về khoản tiền 3,848 triệu USD, phía công ty cho biết hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện điều tra. Tuy nhiên, dữ liệu tài chính của Dược Cửu Long đã thể hiện rõ khoản tiền này không liên quan đến hiện trạng tài chính của Dược Cửu Long các giai đoạn sau này.
Cụ thể, vào cuối năm 2008, khi cổ phiếu DCL của Công ty niêm yết chính thức trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX), quỹ lợi nhuận sau thuế của công ty nhỏ hơn mức lợi nhuận sau thuế phát sinh năm 2008 (giai đoạn sau khi xảy ra sự việc pháp lý nêu trên). Các khoản này đã được phân phối từ trước khi cổ đông nhà nước SCIC hoàn tất thoái vốn tại công ty.
Trong thời gian qua, Dược Cửu Long chia sẻ đã và đang phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ công an để điều tra xác minh vụ việc nhằm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và thu hồi, kê biên triệt để tài sản cho Nhà nước liên quan đến vụ việc này.
Bà Vũ Thị Minh Hoài, Tổng giám đốc Dược Cửu Long cho biết: “Phương châm kinh doanh của Dược Cửu Long không chỉ đúng pháp luật, mà còn đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng và cổ đông, người lao động. Về những vấn đề sai phạm trong quá khứ, dù đó là các vấn đề của Dược Cửu Long khi còn là doanh nghiệp sở hữu Nhà nước, nhưng Công ty luôn sẵn sàng phối hợp điều tra để đảm bảo đúng quy định pháp luật cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty, từ đó đảm bảo quyền lợi người sử dụng sản phẩm, người lao động và các cổ đông”.
Dược Cửu Long khẳng định hiện tại hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn đang diễn ra đúng theo kế hoạch kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc đã đề ra trước đó.
Năm 2021, doanh thu của Dược Cửu Long đạt 715 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 88 tỷ đồng. Hiện tại, ngoài mảng dược phẩm, Công ty còn đang sở hữu 4 nhà máy sản xuất viên nang rỗng (capsule) với công suất 8 tỷ nang/năm.
Trong thời gian tới đây, doanh thu, lợi nhuận của Dược Cửu Long được dự kiến sẽ cải thiện hơn khi đưa ra thị trường một số dòng sản phẩm mới và nhà máy vật tư y tế mà Công ty đang đầu tư sẽ đi vào hoạt động.
Trên thị trường, chốt phiên ngày 14/3, cổ phiếu DCL đang giao dịch ở mức giá 36.150 đồng/cổ phiếu.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/duoc-cuu-long-len-tieng-ve-vu-cuu-thu-truong-bo-y-te-cao-minh-quang-bi-khoi-to-a564555.html