Lật tẩy "quái chiêu" của tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên mạng

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết trong thời điểm diễn ra dịch bệnh COVID-19 và tâm lý cả tin, hám lợi của một bộ phận người dân nên tội phạm “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” qua mạng internet diễn ra phức tạp.

Ngày 21/3, Công an tỉnh Nghệ An đã ra cảnh báo về tình trạng tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng Internet, mạng viễn thông gia tăng trên địa bàn. Đặc biệt là thông báo một số thủ đoạn của tội phạm này nổi lên trong thời gian qua.

Thứ nhất, các đối tượng giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, nhất là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này chủ yếu sử dụng các đầu số điện thoại, không phải là đầu số điện thoại của Việt Nam (+84) gọi điện trực tiếp cho nạn nhân, tiếp đó, các đối tượng sử dụng nhiều kịch bản khác nhau. Điển hình là giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện; cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn; vi phạm phòng, chống dịch bệnh Covid-19...

Các đối tượng liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân. Sau đó, sử dụng các thông tin đó làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan công an để đe dọa nạn nhân (thường thông báo nạn nhân liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, rửa tiền), yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.

Sau đó, các đối tượng chiếm đoạt hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký một tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản đó, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng, rồi chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.

congan5

Đối tượng Nguyễn Duy Đăng tại cơ quan công an.

Đơn cử, Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang tạm giữ hình sự Nguyễn Duy Đăng (SN 1992), trú tại xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vào cuối năm 2021, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Nghi Lộc phát hiện đối tượng Nguyễn Duy Đăng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để thực hiện hành vi của mình, Nguyễn Duy Đăng đã đăng ký các tài khoản facebook, zalo với mục đích dùng những tài khoản này đăng tải các thông tin, hình ảnh quảng cáo về các mặt hàng quần áo, giày dép, thiết bị gia dụng, máy xông cho người bị mắc Covid-19 với giá sỉ.

Khi có người liên hệ mua hàng thì đối tượng yêu cầu người mua chuyển tiền cọc hoặc thanh toán trước với số tiền từ 2 đến 15 triệu đồng vào tài khoản. Sau khi bị hại gửi tiền, đối tượng đã chiếm đoạt, tiêu xài đồng thời chặn liên lạc với bị hại.

Sau quá trình theo dõi, vào lúc 13h30 ngày 8/3, tổ công tác Công an huyện Nghi Lộc chủ trì, phối hợp với Công an xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã mật phục, bắt giữ đối tượng Nguyễn Duy Đăng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi đối tượng đang trên đường đi rút tiền.

Khám xét nơi ở, tổ công tác thu giữ 1 dàn máy vi tính, 2 điện thoại đi động, 8 thẻ ATM. Tại cơ quan điều tra, đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc xác định trong thời gian từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, đối tượng Nguyễn Duy Đăng đã chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước với số tiền khoảng 500 triệu đồng.

congan3

Nội dung các tin nhắn để lừa đảo người thân bị đánh cắp tài khoản Facebook. Ảnh Công an cung cấp.

Thứ hai là thủ đoạn tuyển “cộng tác viên online” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình thức lừa đảo bằng việc tuyển “cộng tác viên bán hàng online” đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng đã lợi dụng hình thức thuê người đặt hàng ảo để tăng lượng đơn hàng, nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo...

Các đối tượng đã sử dụng “mồi nhử” hấp dẫn như: Mua hàng trực tiếp nhưng không nhận hàng (những kẻ lừa đảo gọi là làm tăng tỷ lệ tương tác mua hàng đối với sản phẩm), việc mua hàng sẽ được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp.

Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 - 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 - 10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng).

Ban đầu, để tạo lòng tin và kích thích lòng tham của nạn nhân, các đối tượng sẽ cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki... của một sản phẩm khoảng một triệu đến 2 triệu đồng và tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp để nạn nhân chuyển khoản với số tiền tương ứng với giá trị trên hệ thống. Ngay sau đó các đối tượng sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận.

Khi nạn nhân đã “cắn câu” chuyển số tiền đến vài chục triệu thì các đối tượng không chuyển khoản ngược lại nữa và đưa ra nhiều lý do khác nhau để nạn nhân tiếp tục “say mồi” như: Nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm... và nhiều người tiếp tục chuyển tiền và bị lừa số tiền đến vài trăm triệu đồng...

Với thủ đoạn tuyển “cộng tác viên online” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bài tuyển cộng tác viên online thường xuyên xuất hiện nhiều trong quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... Các công ty, tổ chức và các sàn thương mại điện tử khi có nhu cầu tuyển dụng việc làm, tuyển cộng tác viên thì sẽ có thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua website của các công ty, tổ chức đó. Do đó, các bài tuyển dụng việc làm nói chung và tuyển cộng tác viên online nói riêng có nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để chủ động đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này, Công an tỉnh Nghệ An cũng khuyến nghị người dân không nhấn vào các đường link lạ, tuyệt đối không cung cấp các thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các cuộc gọi, đường link gửi bằng mail/tin nhắn. Nếu người thân, bạn bè nhắn tin vay mượn tiền qua các mạng xã hội thì gọi điện thoại trực tiếp cho người đó để xác minh thông tin chính xác trước khi chuyển tiền.

Cùng với đó, không cung cấp mã OTP do ngân hàng cung cấp hay thực hiện xóa cài đặt xác thực Smart OTP cho bất kỳ ai; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Khi phát hiện sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra cần thông tin cho cơ quan công an để phục vụ công tác xác minh, điều tra, làm rõ.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lat-tay-quai-chieu-cua-toi-pham-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-mang-a564682.html