Trách nhiệm pháp lý
Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc tai biến khi hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó không ít những trường hợp xảy ra trong những cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện tiêu chuẩn để thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện tượng thẩm mỹ chui xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều trường hợp nạn nhân bị thương tích nghiêm trọng, thậm chí đã thiệt mạng như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường và mới đây nhất là vụ việc chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê ở Long An, tạm trú tại Hà Nội) tử vong được cho là do chị đi phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi.
Theo thông tin từ người nhà nạn nhân, chị H. tử vong sau khi hôn mê 2 tháng. Nguyên nhân dẫn tới việc chị H. hôn mê được cho là do chị đi phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi.
Người nhà chị H. cho biết, ngày 14/1, chị P.T.D.H. đến nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ ở trong ngõ 147A Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đến ngày 15/1, gia đình chị H. nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai về tình hình sức khỏe của chị H. đang nguy kịch nên lập tức từ Long An ra Hà Nội.
Sau quá trình điều trị tại Hà Nội không có tiến triển, ngày 25/2, gia đình chị H. đưa chị về Bệnh viện Đa khoa Long An để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, sau 2 tháng hôn mê, khoảng 23h ngày 16/3, chị H. qua đời. Gia đình chị H. đã làm việc với cơ quan công an để làm rõ nguyên nhân vụ việc trên.
Ts. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định: Trong hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ khiến người được phẫu thuật tử vong thì đó là vụ việc nghiêm trọng, rất có thể đã có những vi phạm liên quan đến hoạt động thẩm mỹ. Theo quy định của pháp luật thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện tại các cơ sở được thành lập hợp pháp, có đầy đủ máy móc thiết bị cần thiết, có bác sĩ phù hợp với chuyên ngành và thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định của luật khám chữa bệnh.
Để xem xét trách nhiệm pháp lý thì trước tiên cần làm rõ việc phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện như thế nào? Cơ sở thẩm mỹ nào đã thực hiện dịch vụ này? Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ có đầy đủ theo quy định pháp luật hay không.
Luật sư Cường cho biết: Theo quy định pháp luật tại khoản 20 Điều 3 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: Sử dụng kỹ thuật y học để phẫu thuật (giải phẫu) làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng con người. Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một trong các điều kiện là phải được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Với các cơ sở hoạt động thẩm mỹ mà thực hiện các hoạt động xâm lấn, sử dụng các thủ thuật, các hoạt động phẫu thuật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, bác sĩ thực hiện phẫu thuật không có chuyên môn phù hợp thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 về nội dung sửa đổi một số điều của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ thì các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Đối với các cơ sở thẩm mỹ mà không có đăng ký, không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà thực hiện các hoạt động thẩm mỹ nêu trên thì đây là hành vi tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho khách hàng. Nếu trường hợp cá nhân không thành lập phòng khám, bệnh viện, không đăng ký dịch vụ thẩm mỹ nhưng lại thực hiện hoạt động này (phẫu thuật chui) dẫn đến chết người thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, Luật sư Cường phát biểu.
Với quy định của pháp luật hiện hành thì để thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ thì cơ sở thực hiện phải đáp ứng điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (có quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy phép đầu tư, giấy phép hoạt động,…) và đáp ứng điều kiện về cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực (Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ).
Tuy nhiên, trong vụ việc nêu trên theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng thì việc thực hiện nâng mũi cho nạn nhân không được thực hiện tại bệnh viện/phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa thẩm mỹ mà lại tiến hành tại nhà dân. Không thấy có biển hiệu, không được bố trí, tổ chức như một cơ sở khám chữa bệnh theo quy định pháp luật. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ về hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở này.
Theo nhận định của Luật sư, cơ quan chức năng cũng đang nghi ngờ người thực hiện phẫu thuật không có trình độ chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định pháp luật. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ trong vụ việc này không phải do tổ chức có đăng ký hoạt động khám chữa bệnh, thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện (không phải là bệnh viện hay phòng khám đa khoa), bác sĩ thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ này không có chức năng phụ trình độ phù hợp dẫn đến hậu quả chết người thì rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vô ý làm chết người hoặc tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi khám chữa bệnh trái phép gây thiệt mạng cho bệnh nhân thì sẽ khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 129 hoặc Điều 315 BLHS.
“Bác sĩ phẫu thuật, đơn vị cho thuê nhà và những người có liên quan nếu biết đây là hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ “chui” nhưng vẫn cố tình thực hiện, những người này đã tham gia thực hiện các khâu, công đoạn trong hoạt động khám chữa bệnh thì sẽ bị xử lý về tội danh này. Trường hợp người cho thuê nhà không biết về hành vi khám chữa bệnh trái phép thì sẽ không bị xử lý hình sự tuy nhiên sẽ bị xử lý hành chính về các hành vi liên quan đến cho thuê, kinh doanh không đúng quy định pháp luật”, Luật sư Cường nói.
Trường hợp có cơ sở hoạt động thẩm mỹ có đăng ký hoạt động khám chữa bệnh nhưng việc khám chữa bệnh không đúng thủ tục, bác sĩ không đúng chuyên môn, không có máy móc thiết bị phù hợp, vi phạm quy định về khám chữa bệnh thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo Điều 315 với hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (khoản 1); phạt tù từ 03 năm đến 10 năm (khoản 2)… Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cần siết chặt công tác quản lý thẩm mỹ viện “chui”
Cùng trao đổi về nội dung này, Luật sư Trần Thanh Lam (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết: Trường hợp không thành lập cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ do cá nhân là bác sĩ tự thực hiện, không tuân thủ quy định của pháp luật, vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp thì người thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 129 bộ luật hình sự. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 129, Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, theo đó “1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…”.
Quan điểm của Luật sư cho rằng: Ngoài trách nhiệm pháp lý có thể bị phạt đến 05 năm tù, người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Đây là trường hợp bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Do nhu cầu của xã hội, nhiều người muốn làm đẹp và các dịch vụ thẩm mỹ được thực hiện khá dễ dàng nên thời gian qua các lớp đào tạo thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa, các cơ sở thẩm mỹ cũng hoạt động rộng khắp, nhiều trường hợp bất chấp quy định của pháp luật, không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn thực hiện các hoạt động như một phòng khám, như một bệnh viện thẩm mỹ phải thực hiện các hoạt động có dùng thuốc gây mê, xâm lấn, như bơm Silicon, nâng mũi, năng lực, có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng. Nhiều vụ việc tai biến đã xảy ra, nhiều người đã bị thương tích nghiêm trọng, thậm chí bị thiệt mạng nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
Các Luật sư kiến nghị, qua vụ việc này, cơ quan chức năng cũng cần xem xét siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các hoạt động thẩm mỹ, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, xử lý nghiêm minh các cán bộ buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm nếu có. Đồng thời vụ việc này cũng là bài học cho những người dân khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ mà không tìm hiểu kỹ về cơ sở thẩm mỹ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.
“Hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở phẫu thuật “chui”, không có đăng ký hoặc bác sĩ không đúng chuyên môn rất dễ phát sinh những tai biến nguy hiểm, đẹp chưa thấy đâu nhưng có thể phải trả giá đắt bởi những tổn thương, thậm chí có thể thiệt mạng”, Luật sư Lam nói.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vu-co-gai-tre-tu-vong-sau-khi-phau-thuat-nang-mui-dep-chua-thay-da-thay-hai-a564714.html