Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương đã có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhiều trường học điều chỉnh từ việc đang học trực tiếp sang học trực tuyến.
Tuy nhiên, những ngày trở lại đây số ca bệnh tại các tỉnh thành đặc biệt là Hà Nội có xu hướng giảm, chỉ còn hơn 9.000 ca mắc mới trong ngày 26/3. Mọi hoạt động cũng đã quay trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Việc số ca bệnh giảm và các hoạt động trở lại bình thường nhưng học sinh mầm non vẫn chưa được đến trường cũng khiến nhiều phụ huynh tâm tư.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Diệu Lam (Tây Mỗ, Hà Nội) cho biết chị có 2 con nhỏ đều trong độ tuổi đến trường mầm non, tuy nhiên do dịch bệnh nên đã hơn một năm con không được đến trường.
“Từ khi dịch bệnh đến nay là con tôi ở nhà, tôi cũng đành ở nhà trông con vì không tìm được người trông trẻ. Giờ dịch bệnh đã phổ biến, tôi chỉ mong con sớm được đến trường”, chị Lam chia sẻ.
Trong khi đó, chị Huệ (ở An Khánh, Hoài Đức) cũng bày tỏ: “Không chỉ có tôi mà nhiều phụ huynh tâm sự rằng họ rất muốn cho trẻ đến trường, vì hiện nay dịch bệnh đã bớt căng thẳng. Nếu ở nhà các bậc phụ huynh cuối tuần cũng cho con mình đi chơi chỗ đông người thì nguy cơ mắc bệnh cũng tương tự. Vậy, tại sao không cho trẻ đến trường?”.
Mặc dù nhiều phụ huynh muốn con được đến trường, cũng có không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng vì con chưa được tiêm và số ca mắc ngoài cộng đồng vẫn tăng cao.
Chị Nguyễn Duyên (Mỹ Đình, Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng: "Dù rất muốn cho con đến trường, tuy nhiên vì con tôi sức đề kháng kém, lại chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nên tôi cũng rất lo lắng. Tôi chưa thật sự yên tâm nếu cho con đến trường học ở thời điểm này".
Dưới góc độ nhà trường, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Chu Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng mầm non Dịch Vọng Hậu cho biết: "Các cô giáo của trường cũng đã nghỉ dài ngày, tuy nhiên việc cho trẻ mầm non đến trường chúng tôi cũng phải theo chủ trương của các cấp, nên việc có mong cũng không được".
Mặc dù trẻ mầm non không đến trường, nhưng trường mầm non Dịch Vọng Hậu vẫn luôn duy trì tương tác với các phụ huynh qua các kênh online, bám theo các chủ đề, sự kiện giảng dạy trong năm học để xây dựng các hoạt động phù hợp ở nhà cho các em.
Về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, bà Lan Anh cho biết nhà trường lúc nào cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng. "Khi nào có chủ trương là sẵn sàng đón các em quay lại trường học", bà Lan Anh nói.
Nên xem xét lộ trình
Trước những băn khoăn trái chiều về việc cho trẻ mầm non đến trường thời điểm này có nên hay không? Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, không chờ đợi việc tiêm vắc-xin cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường.
Ông Phu nhấn mạnh: “Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non”.
PGD.TS Trần Đắc Phu phân tích, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài. Thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm...
Vị chuyên gia này cho biết, phần lớn trẻ em nhiễm Covid -19 thường có triệu chứng nhẹ. Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.
Bên cạnh đó, ông Phu cũng cho hay, trẻ em ở nhà dương tính nhiều thời gian qua vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, người lớn mắc bệnh lây cho trẻ.
“Hiện, chúng ta chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro… Việc kiểm soát rủi ro khi cho trẻ đến trường là khi trẻ bị nhiễm thì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với trẻ, lớp học có trẻ bị F0.
Mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ. Chúng ta nới lỏng chứ không buông lỏng. Hiện nay, đối với trẻ chưa tiêm vắc-xin và không tiêm vắc-xin thì nhiều quốc gia đã hối thúc đi học”, ông Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, để cho trẻ đến trường thì ngoài việc tổ chức và thực hiện tốt quy định phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường và cơ quan y tế.
Song song với đó, khi cho trẻ đến trường, nhà trường vẫn cần phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh có sự phối hợp với nhà trường để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Ngoài các biện pháp 5K, ông Phu nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho người lớn trong gia đình, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi, cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, tính đến ngày 27/3, tổng số liều vắc - xin đã được tiêm là 205,002,757 liều, trong đó:
- Số liều vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 187.722.026 liều, trong đó mũi 1: 71.205.923 liều; Mũi 2: 69.479.291 liều; Mũi bổ sung: 14.807.078 liều và mũi 3: 32.229.734 liều.
Đến nay đã có 47/63 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ bao phủ mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 trên 95%; Còn 16/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 từ 90% đến dưới 95%.
- Số vắc-xin phòng Covid-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.139.132 liều, trong đó mũi 1: 8.784.564 liều; Mũi 2: 8.354.568 liều.
Đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 trên 90%; Còn lại 6/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/da-den-luc-cho-tre-mam-non-quay-lai-truong-hoc-a564806.html