Khi nào phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh mắc COVID-19 được điều trị tại nhà?
Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 28/3, bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn Chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19.
Theo đó, để được điều trị tại nhà, người mắc COVID-19 là phụ nữ mang thai phải là người chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ, chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Ngoài ra, bệnh nhân cần không có một trong các dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa như:
- Đau bụng liên tục và/hoặc tăng dần
- Ra máu âm đạo
- Ra nước ối
- Ngất hoặc co giật
- Phù mặt, chân, tay
- Đau đầu, nhìn mờ
- Không có cử động thai (đối với thai > 20 tuần) hoặc cử động thai yếu hơn bình thường
- Bất kỳ dấu hiệu bất thường khác
Trẻ sơ sinh mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ và không có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh cũng được chăm sóc tại nhà. Theo bộ Y tế, dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh gồm:
- Bú ít hoặc bỏ bú
- Ngủ li bì khó đánh thức
- Các dấu hiệu suy hô hấp: tần số thở > 60 lần/phút ở 2 lần đếm khác nhau, thở rên, thở khò khè, thở rít, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực, có cơn ngưng thở trên 20 giây, SpO2<96%
- Co giật hoặc co cứng; cử động bất thường
- Thân nhiệt: Sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ; hạ thân nhiệt dưới 36°C sau khi đã ủ ấm
- Mắt sưng đỏ hoặc có mủ; rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ
- Dấu hiệu mất nước: mắt trũng, môi khô, da nhăn nheo, tiểu ít
- Vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là vàng da xuất hiện trong 24 giờ sau sinh; Vàng da kéo dài trên 14 ngày; Vàng da lan nhanh đến bụng, đùi, chân trong những ngày đầu sau sinh; Vàng lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; Vàng da tăng nhanh; Vàng da kèm phân bạc màu
- Tiêu hóa: Nôn liên tục, bụng chướng, tiêu chảy, phân có máu
- Tình trạng bất thường khác của trẻ
Phụ nữ mang thai mắc COVID-19 điều trị tại nhà cần theo dõi sức khỏe ra sao?
Theo Pháp Luật TP.HCM, phụ nữ có thai khi điều trị tại nhà cần đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường, đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày.
Đồng thời, theo dõi các dấu hiệu của thai kỳ như cử động thai, các dấu hiệu bất thường về sản khoa. Thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế thăm khám khi có một trong số các dấu hiệu bất thường.
Về quản lý thai, chăm sóc thai nghén, cần suy trì khám thai định kỳ, bên cạnh đó khám thai vào bất kỳ thời điểm nào nếu phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc khi có chỉ định của nhân viên y tế.
Nếu thai phụ mắc COVID-19 đến ngày hẹn khám thai và không có các dấu hiệu bất thường về sản khoa, có thể khám thai từ xa hoặc tư vấn thai phụ đợi đến ngày hết cách ly.
Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động và tập thể dục, bổ sung vi chất dinh dưỡng, không sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc thụ động, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, chất gây nghiện khác.
Duy trì bổ sung sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế (tạm dừng khi có các triệu chứng nôn, tiêu chảy).
Bà mẹ trong thời kỳ hậu sản, bà mẹ cho con bú cần lưu ý gì?
Các bà mẹ trong thời kỳ hậu sản và bà mẹ cho con bú cần cần thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường như ra máu tăng dần hoặc có máu cục, sản dịch có mùi hôi, đau bụng dữ dội hoặc đau âm ỉ, tăng dần.
Vết khâu tầng sinh môn (đối với sinh thường) hoặc sẹo mổ đẻ có khối bất thường, tăng kích thước hoặc chảy mủ; Sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.
Nhóm các bà mẹ nói trên cũng cần thông báo cho nhân viên y tế hoặc đi khám nếu bị phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều, co giật, vú bị sưng, nóng, đỏ đau hoặc chảy mủ hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác.
Cần lưu ý gì khi chăm trẻ sơ sinh mắc COVID-19 tại nhà?
Cần theo dõi dấu hiệu toàn trạng của trẻ gồm tình trạng bú mẹ, màu sắc da, phân và nước tiểu, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày (thân nhiệt bình thường của trẻ là từ 36,5 đến 37,5 độ C), đếm nhịp thở và đo SpO2 (nếu có máy) 2 lần/ngày.
Lưu ý, các máy đo SpO2 dùng cho người lớn có thể không đo chính xác ở trẻ sơ sinh nên cần kết hợp theo dõi các dấu hiệu toàn trạng của trẻ. Cha mẹ hoặc người chăm sóc thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.
Hướng dẫn mới của bộ Y tế nêu rõ không nhất thiết phải làm xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc COVID-19.
Nếu cả mẹ và bé đều được xác định mắc COVID-19 thì cần duy trì cho trẻ bú mẹ. Trong trường hợp trẻ ngạt mũi khó bú, hãy vệ sinh mũi cho trẻ trước khi cho bú. Nếu trẻ không bú được, vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.
Trường hợp chỉ có bà mẹ được xác định mắc COVID-19, cần tư vấn cho bà mẹ và gia đình cân nhắc giữa lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ và nguy cơ trẻ sơ sinh có thể mắc COVID-19.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/huong-dan-moi-nhat-cua-bo-y-te-ve-cham-soc-ba-bau-tre-so-sinh-mac-covid-19-tai-nha-a564837.html