Hai cái bẫy gây tổn thương nhất trong hôn nhân

Sự thật là bạn đã từng có một gia đình hạnh phúc, có đủ những thứ bạn cần, có vợ/chồng con cái, bố mẹ hai bên. Người ngoài ai cũng bảo bạn tốt số, bạn đáng ngưỡng mộ.

Thế nhưng, trong thâm tâm bạn lại không thấy như vậy. Bạn cảm thấy cuộc sống này tẻ nhạt, buồn phiền và không hề hạnh phúc như người ta vẫn tưởng. Vì sao lại vậy?

Thực ra, đó là bởi bạn đã mắc sai lầm bởi 2 cái “bẫy” sau đây:

Bẫy so sánh

Bẫy so sánh và bẫy phàn nàn gây tổn hại đến hôn nhân (hình minh họa).

Có bao giờ bạn rơi vào tình trạng này chưa: vào một ngày đẹp trời, gió thổi miên man, lá bay nhẹ nhẹ trước cửa sổ nhà bạn, khi con cái bạn còn nhỏ và tiền bạc eo hẹp, rồi bạn bất chợt nhìn ra cửa sổ phía trước và thấy người hàng xóm có chiếc xe chính xác mà bạn hằng mơ ước được sở hữu. Suy nghĩ của bạn ngay lập tức bị bao trùm bởi sự ghen tị. Một trong những điều nguy hiểm lớn nhất bấy giờ là cố gắng theo kịp người hàng xóm!

Một cách tồi tệ nhất dẫn đến sự bất mãn với cuộc sống là bắt đầu so sánh bản thân với người khác. Cỏ của người khác luôn xanh hơn, nhà người khác luôn đẹp hơn, người khác luôn có nhiều hơn, tốt hơn hoặc lớn hơn bạn. Gia đình của bạn sẽ không bao giờ được sống trọn vẹn với những gì bạn có nếu bạn luôn nhìn vào và ham muốn những gì người khác có.

Chúng ta đôi khi rất giỏi biện luận bản thân rằng “cần phải bằng bạn bằng bè” nhưng thực ra, điều ấy có thực sự là điều mà chúng ta cần? Có phải một chiếc xe hơi đời mới là cần thiết trong khi xe đang đi vẫn rất tốt? Có phải một ngôi nhà rộng lớn cần phải thay đổi trong khi nhà hiện tại vẫn còn 1 phòng trống?

Chúng ta rất giỏi thuyết phục bản thân rằng chúng ta mong có những thứ mà chúng ta thực sự không cần, cho dù đó là máy tính bảng hoặc hệ thống trò chơi mới nhất hay điện thoại thông minh đời mới nhất.

Chúng ta thích những thứ mới mẻ, sáng bóng và rồi vô tình lại yêu cầu con cái của chúng ta cũng phải “bằng bạn bằng bè”, “Con phải học giỏi như bạn A, phải vô địch như bạn B”. “Vợ người ta nấu ăn ngon, vợ mình thì chỉ mua đồ ăn ngon thôi. Chả tự nấu bao giờ”.

Bạn thấy chồng/vợ của người hàng xóm có vẻ tốt bụng hơn, sành điệu hơn, đáng yêu hơn… Cái bẫy so sánh không sớm thì muộn gây ra tâm lý “thất vọng” cho bản thân và người thân. Vô tình, sự so sánh ấy làm cho không khí gia đình có lúc cảm thấy ngột ngạt, tức tối. Vì thế, bạn cần lưu ý tránh xa điều này: Đừng so sánh!

Tập trung vào những tính tốt của vợ/chồng sẽ tạo sự hòa thuận và giúp bạn chịu đựng sự khác biệt giữa hai người cũng như khiếm khuyết của nhau. Ví dụ: chồng bạn không galăng như chồng hàng xóm nhưng anh ấy không nghiện ngập, không ngao du với đám bạn sau mỗi giờ làm mà về nhà ngay đọc báo… Tập trung vào suy nghĩ như vậy bạn thậm chí sẽ thấy mình may mắn khi có được người chồng này mà quên đi sự so sánh vô lý với anh chồng hàng xóm bảnh bao, chải chuốt kia.

Nếu cần, bạn thậm chí chụp bức ảnh mà chồng bạn dễ thương khi ở nhà, khi ở bên gia đình và luôn mang theo bên mình, lưu trong thiết bị di động để thường xuyên nhắc nhở bản thân về lý do bạn kết hôn với người ấy.

So sánh thì dễ, nó chẳng cần nỗ lực nhưng tìm ra điểm tốt của nhau, dường như chúng ta cần nỗ lực. Nó dường như đã bị quên đi, bị lu mờ bởi cuộc sống hối hả hàng ngày. Và đó là khi rạn nứt có cơ hội xuất hiện.

Bẫy phàn nàn

Hãy trung thực với gia đình, với vợ/chồng của mình — tất cả chúng ta đều phải thực hành và rèn luyện bản thân mỗi ngày.

Trong cuộc sống, phải thừa nhận rằng, luôn có khoảng thời gian vào cuối một ngày dài, nhìn thấy căn nhà lộn xộn với những đứa trẻ nhỏ nghịech phá. Bạn không muốn làm gì khác ngoài việc bắt đầu phàn nàn và ra lệnh. Thay vì chú ý đến công việc khó khăn của mọi thành viên trong gia đình, bạn lại đi bắt bẻ các con, phàn nàn với vợ/chồng mình với những lý do hết sức vô lý. Sự phàn nàn bao trùm ngôi nhà bởi sự bực tức ích kỷ của chính mình.

Nếu vợ/chồng hay con cái nói hoặc làm gì khiến bạn tổn thương, bạn có thể bỏ qua không? Nếu không, đừng dùng chiêu quát tháo hoặc phàn nàn vô độ. Ví dụ những câu phàn nàn kiểu như “ôi trời ôi, sao tôi lại có những đứa con chỉ biết nghịch ngợm mà không chịu dọn nhà thế này?”; “Anh chỉ biết xem TV, đọc báo nhàn hạ thôi à? Nấu bữa cơm vất vả lắm chứ bộ”…

Những lời phàn nàn ấy có tác dụng giúp cho hôn nhân thêm phần “chiến tranh lạnh”. Người ta ngày càng ít nói với nhau hơn, mất dần xúc cảm. Rất có thể cả hai không có ý làm tổn thương nhau nhưng vô phàn nàn lại giết chết tình cảm.

Đừng để đến mức “già néo đứt dây”. Bình tĩnh nói chuyện với nhau để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt, ngay trong ngày hôm đó nếu có thể. Nếu chẳng may điều ấy đã xảy ra rồi thì hãy cho vợ/chồng biết điều này bằng cách chân thành xin lỗi nếu bạn làm người ấy cảm thấy bị tổn thương. Rồi bàn bạc những điều cụ thể mà cả hai có thể thực hiện để tránh vô tình gây tổn thương nhau bằng những phàn nàn.

Hãy cân nhắc điều này: Biết ơn và phàn nàn là hai mặt đối lập của cuộc sống. Chúng hoàn toàn trái ngược nhau. Bạn càng phàn nàn, bạn càng có ít niềm vui. Bạn càng biết ơn, bạn càng có nhiều hoan hỉ. Trong gia đình, chúng ta cần tránh mắc bẫy phàn nàn bằng hai nguyên tắc sau:

Học cách sống đơn giản! Sự mãn nguyện thường được tìm thấy trong sự đơn giản! Nói cách khác, càng đơn giản, càng dễ hạnh phúc. Học cách sống trong hiện tại, không phải tương lai! Học cách bằng lòng với những gì bạn có ngay bây giờ.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hai-cai-bay-gay-ton-thuong-nhat-trong-hon-nhan-a564844.html