Mũi chưa đẹp đã hỏng mắt
Muốn có sống mũi đẹp, bà N.B (47 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) đã tìm đến cơ sở spa chỗ người quen mà bà tin tưởng tại địa phương nhờ tiêm filler nâng mũi tại chỗ. Tưởng sẽ đẹp hơn sau tiêm, nhưng vừa rút mũi kim ra khoảng 15 phút, trong khi đang được tiến hành nắn sống mũi, bà B. đã bắt đầu có biểu hiện nóng đầu, hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện co giật. Ngay sau đó, bà được người quen này tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler đã tiêm nhưng tình trạng không cải thiện.
Gần 4 tiếng sau tiêm filler, bệnh nhân này được đưa đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng đã bị mất thị lực mắt trái, đồng tử giãn, phù nề, tím toàn bộ vùng mũi, trán, có dấu hiệu co giật, liệt toàn bộ cơ nâng mi.
Thông tin về ca bệnh này, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Ngay khi vào viện bệnh nhân được xét nghiệm chẩn đoán đông máu, chụp CT não, cấp cứu khẩn cấp. Các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình thẩm mỹ đã khẩn trương phối hợp với Trung tâm đột quỵ, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, và mời các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương tới phối hợp để can thiệp giải quyết tình trạng tắc mạch mắt do filler cho người bệnh, tránh nguy cơ tổn thương não".
Theo đó, bệnh nhân đã được tự tiêm thuốc giải filler ở nhà; tuy nhiên, chất tiêm vào này không rõ nguồn gốc nên các bác sĩ không biết thực sự đó là chất gì để xử lý. Nếu bệnh nhân dùng các chất làm đầy chuẩn, được cấp phép thì có thể tiêm thuốc giải và làm tan được; nhưng chất tiêm ở đây không rõ nguồn gốc nên không thể chắc chắn sau khi tiêm giải có thể làm tan được hết hay không.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, tuy nhiên, sau khi nỗ lực cấp cứu, bệnh nhân đã tránh được tai biến mạch máu não. Sau khi áp dụng phối hợp nhiều biện pháp kết hợp với thuốc giải, đến nay bệnh nhân đã tỉnh táo, chỉ còn đau đầu, không bị liệt chân tay; các dấu hiệu hoại tử ở toàn bộ da vùng trán và mũi của bệnh nhân đã dừng lại. Đặc biệt, bệnh nhân đã có tiến triển về thị lực, từ chỗ không nhìn thấy gì, nay đã cảm nhận được ánh sáng. Tuy nhiên, với nhiều yếu tố phức tạp, trường hợp này tiên lượng hồi phục vẫn còn rất dề dặt, các bác sĩ vẫn đang tiến hành chăm sóc đặc biệt, theo dõi sát sao cho bệnh nhân.
Dù đã được cảnh báo rất nhiều về an toàn khi tiêm các chất làm đầy tại các cơ sở không phép, nhưng thời gian gần đây, tại khoa Khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức vẫn ghi nhận các ca tai biến với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Riêng trong tháng 3/2022, tại đây đã tiếp nhận xử lý tới 3 ca tai biến do tiêm filler phải nhập viện cấp cứu. Cụ thể, có ca mới chỉ hoại tử da, bầm tím quanh mắt được điều trị và hầu như khỏi toàn bộ; nhưng cũng có ca đã có dấu hiệu hôn mê, liệt người đã được cấp cứu kịp thời, đang tập đi lại; và trường hợp nặng nhất là mù hoàn toàn hai mắt đang có dấu hiệu hồi phục. Số ca do tai biến tiêm filler không có dấu hiệu giảm.
Lựa chọn các cơ sở uy tín, an toàn
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, các ca tai biến do tiêm filler khi nhập viện đều cho biết đã từng tiêm ở các spa, thậm chí nhờ người quen tiêm tại nhà… hầu hết đều ở các cơ sở không được cấp phép của Bộ Y tế. Đây là điều hết sức nguy hiểm.
Theo đó, trong các biến chứng do tiêm filler, biến chứng mù mắt, mất thị lực là tai biến nặng nhất. Bởi vậy, các kỹ thuật tiêm chất làm đầy mũi, cằm, thái dương... đều phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ chuyên nghiệp mới có thể đảm bảo an toàn.
“Chỉ có các bác sĩ đã qua đào tạo mới biết được cách làm, biết các vị trí giải phẫu các mạch máu, thần kinh ở vùng tiêm như thế nào, để có thể tránh gây tổn thương các thành phần quan trọng. Đặc biệt với tiêm filler mũi, nơi có rất nhiều nhánh động mạch mắt, nếu thực hiện kỹ thuật không đúng, người tiêm không được đào tạo, không có kỹ thuật rất dễ làm xuyên thủng các mạch máu đó. Đặc biệt, trong các tình huống cố gắng tiêm thật nhanh cho xong, tiêm một lượng rất lớn chất làm đầy vào trong lòng động mạch, chất làm đầy rất dễ đi thẳng vào não, hoặc ra vùng mắt. Nếu chất làm đầy bị đẩy lên não có thể gây tắc mạch máu não dẫn đến hôn mê, liệt chân, liệt tay; nếu vào động mạch mắt sẽ làm tắc động mạch mắt, làm chết các tế bào thần kinh dẫn đến gây mù toàn bộ. Nếu để quá thời gian “vàng” trong cấp cứu, người bệnh có thể mù vĩnh viễn, không cứu được”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, ngoài việc kiểm soát các chất tiêm làm đầy trôi nổi, quản lý các cơ sở tiêm filler trái phép, chính người dân cũng phải thật tỉnh táo khi lựa chọn các dịch vụ làm đẹp. Giống như mọi can thiệp y khoa khác, các phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ luôn tiềm ẩn nguy cơ. Do vậy, người dân cần chú ý, chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ.
Bác sĩ thực hiện phẫu thuật, thủ thuật cần được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ. Đặc biệt, tất cả các loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Trước sự nhiễu loạn thông tin quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ, người dân cần nâng cao hiểu biết khi lựa chọn các dịch vụ thẩm mỹ để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/canh-bao-lien-tuc-van-nhieu-nguoi-bi-tai-bien-do-tiem-filler-lam-dep-troi-noi-a565133.html