Theo thông tin đăng tải trên trang Tuổi trẻ, gây bức xúc cho người tiêu dùng thời gian qua phải nói đến các sản phẩm viên xương khớp Hoàng Hường. Chỉ cần tra tên sản phẩm trên Google, sẽ xuất hiện hàng loạt trang web đăng bán với video quảng cáo công dụng từ "doanh nhân" Hoàng Hường, "đảm bảo không có một thành phần nào cấm, không có một chút thuốc Tây nào, dám chắc sản phẩm tốt"...
Trước đó, vào năm 2021, trên các fanpage, YouTube có tên: Nha khoa quốc tế Hoàng Hường, Nhà thuốc Hoàng Hường, Dược phẩm Hoàng Hường, Hoàng Hường - Thẩm mỹ 24, Hoàng Hường Số 1 Nha Khoa Đẹp... liên tục đăng tải các video quay bà Hoàng Thị Hường quảng cáo sản phẩm nước súc miệng, súc họng điều trị dứt điểm hôi miệng, viêm lợi và nhiều bệnh lý răng miệng khác tại nhà.
Đáng chú ý khi trong các video liên tục sử dụng các từ ngữ "diệt", "đặc trị", "trị", "loại bỏ", "chữa được hôi miệng lâu năm, hôi từ kiếp trước sang kiếp này, hôi miệng cỡ nào cũng hết"... để quảng cáo, thổi phồng công dụng sản phẩm khiến không ít người tiêu dùng "sập bẫy".
Trong diễn biến liên quan, ngày 10/4, VTV1 có đưa tin về hội thảo do nhãn hàng dược phẩm Hoàng Hường tổ chức gây bức xúc dư luận. Ngay sau đó bản tin trên đã được gỡ khỏi website.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam cho biết: "VTV đã gỡ phóng sự này. Sáng nay (12/4), Ban tuyên giáo đã có ý kiến về việc này rồi. Tôi không trả lời thêm về việc này nữa..".
Ngay sau đó, vào ngày 13/4, cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Dược Phẩm Hoàng Hường 65 triệu đồng do quảng cáo viên xương khớp Hoàng Hường gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Theo đó, công ty cổ phần (CP) Dược Phẩm Hoàng Hường (địa chỉ: tầng 6, số 36, Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) bị xử phạt 65 triệu đồng do các hành vi sai phạm sau: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
Hạnh Vũ
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/duoc-pham-hoang-huong-than-thanh-hoa-thuc-pham-chuc-nang-a565238.html