Gần đây, những lùm xùm về quảng cáo thực phẩm chức năng của công ty “Dược phẩm Hoàng Hường” đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Mặc dù, đơn vị này đã bị xử phạt 65 triệu đồng vì vi phạm trong hoạt động quảng cáo, song, vẫn còn rất nhiều sản phẩm tương tự đang nhan nhản ngoài kia.
Để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp kiểm soát thực trạng trên, PV Phụ nữ & Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (bộ Y Tế), hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam), trao đổi về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa PGS.TS Trần Đáng, thời gian qua, trên thị trường, đặc biệt, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện tràn lan những sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo “thổi phồng” công dụng, khiến dư luận không khỏi lo lắng. Vậy, bản chất của những quảng cáo đó là như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Trần Đáng: Hiện nay, vấn đề kinh doanh điện tử trên mạng đang là một xu thế thời đại. Tuy nhiên, lại có một nguy cơ, vấn đề quảng cáo về thực phẩm chức năng vẫn đang diễn ra “tùm lum”, chưa kiểm soát được.
Cho nên, nhiều quảng cáo không đúng với sự thật, nội dung quảng cáo không phù hợp với bản chất của sản phẩm, nhất là về công dụng. Có những thông tin quảng cáo nói hơi trái ngược với bản chất về mặt khoa học của sản phẩm. Thực phẩm chức năng chỉ là sản phẩm hỗ trợ các chức năng của cơ thể, chứ không thể thay thế thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, nhiều quảng cáo trên mạng lại nói rằng sản phẩm này chữa được bệnh, chữa khỏi tận gốc, chỉ cần dùng vài ba đợt là khỏi hoàn toàn, thậm chí là những căn bệnh hiểm nghèo, hay nếu không chữa được triệt để thì sẽ hoàn tiền... toàn những lời lẽ “có cánh”. Đây cũng đang là một vấn đề gây bức xúc cho toàn xã hội.
Phóng viên: Xin ông hãy lý giải những nguyên nhân gây ra thực trạng như đã nêu ở trên.
PGS.TS Trần Đáng: Để xảy ra tất cả những vấn đề này, theo tôi, nguyên nhân đầu tiên, do các văn bản pháp luật chưa đầy đủ, cũng chưa có một văn bản chính thức kiểm soát vấn đề quảng cáo thông tin và kinh doanh thực phẩm chức năng trên mạng, hay còn gọi là “chợ điện tử”. Tức là, việc quản lý chưa đi kịp với thị trường.
Thứ hai, những quy định cụ thể, đặc biệt là các tiêu chuẩn chưa được ban hành một cách đầy đủ.
Thứ ba, lực lượng thanh tra, kiểm tra và xử lý còn chưa đủ. Hiện nay, thực phẩm của chúng ta đang phân theo ba Bộ là chính: bộ Y tế, bộ Công thương và bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Cũng vì chuyện phân công như vậy, nên không có một lực lượng chuyên trách chuyên sâu, mỗi Bộ phụ trách một số sản phẩm. Đó cũng là một yếu kém trong hình thức quản lý của chúng ta. Đáng lẽ, phân công kiểm soát an toàn thực phẩm chỉ nên giao cho một Bộ. Theo hai nguyên tắc cơ bản: Các sản phẩm chưa thành thực phẩm thì do các Bộ phụ trách về sản xuất và chế biến (bộ NN&PTNT; bộ Công thương), khi dã thành sản phẩm thực phẩm thì mới đến bộ Y tế. Trên thế giới đã làm như vậy.
Nhưng ở Việt Nam, lại chia bộ Y tế có phụ trách ngành thực phẩm, bộ NN&PTNT phụ trách 9 ngành thực phẩm, bộ Công thương phụ trách 5 ngành thực phẩm. Trong đó, phần lớn các thực phẩm tiêu dùng hằng ngày lại do bộ NN&PTNT và bộ Công thương quản lý. Tôi thấy chưa hợp lý lắm về mặt phân công.
Một nguyên nhân nữa, tôi cho rằng, mức độ xử phạt hiện nay vẫn còn chưa trúng, chưa đúng và chưa phù hợp. Chẳng hạn, khi đài truyền hình hay một cơ quan truyền thông nào đăng một quảng cáo không đúng và “thổi phồng công dụng”, đáng lẽ, đầu tiên phải xử phạt đơn vị quảng cáo, rồi tiếp đó mới đến doanh nghiệp. Đồng thời, mức độ xử phạt hiện nay cũng đang rất nhẹ, cao lắm thì cũng chỉ vài chục triệu đồng, trong khi, một lần công ty đó quảng cáo như thế, đã có thể thu hút hàng vạn người mua, lợi nhuận dem lại vô cùng lớn. Hơn nữa, tôi cũng chưa thấy có công ty nào quảng cáo sai, “thổi phồng” thế mà bị đóng cửa, cấm kinh doanh mà cũng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm hình sự.
Phóng viên: Vậy, làm sao để ngăn chặn thực trạng nhức nhối tương tự, thưa ông?
PGS.TS Trần Đáng: Để kiểm soát được những vẫn đề đó, thì phải dựa vào những nguyên nhân.
Trước hết, phải ban hành luật pháp cho phù hợp, từ Luật An toàn thực phẩm đến các Thông tư, Nghị định... cũng phải ban hành lại, bởi hiện nay, ngay trong luật vẫn còn những bất cập.
Đặc biệt, trong các văn bản pháp luật, cũng phải ban hành các tiêu chuẩn về các sản phẩm thật đầy đủ. Bởi, tiêu chuẩn là cái để phân biệt sản phẩm này với sản phẩm kia. Tiêu chuẩn là cái để đánh giá sản phẩm. Tiêu chuẩn là cái để cơ quan quản lý dựa vào để kiểm tra, thanh tra. Tiêu chuẩn là cái để doanh nghiệp dựa vào đó để sản xuất sản phẩm đạt chất lượng. Và tiêu chuẩn cũng là cái để người tiêu dùng dựa vào mà lựa chọn cho phù hợp.
Thứ hai, nên có sự phân công lại về vấn đề quản lý an toàn thực phẩm cho phù hợp với quy luật tự nhiên về sản phẩm. Chẳng hạn, có thể phân chia như sau: bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm trồng trọt, chăn nuôi, quá trình canh tác cung cấp nguyên liệu...; bộ Công thương chịu trách nhiệm chế biến trong nhà máy; cuối cùng, sản phẩm thực phẩm chức năng sẽ do bộ Y tế kiểm soát và chịu trách nhiệm.
Từ chỗ phân công về một Bộ phụ trách, sẽ có lực lượng thanh tra chuyên ngành, ban hành quy định về thanh kiểm tra, chẳng hạn, thanh tra trên thị trường thông thường, thanh tra trên “chợ điện tử”, hay về bán hàng đa cấp hay tất cả các loại hình kinh doanh khác, đều sẽ có hình thức thanh tra phù hợp. Đi kèm với đó là mức độ xử phạt.
Trên thế giới đã thực hiện rất trơn tru, nhưng ở Việt Nam vẫn có những chuyện “vênh” với nhau, luật quy định quản lý một kiểu, thanh tra một kiểu, mức độ xử phạt lại không phù hợp...
Cuối cùng, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng quản lý, cho daonh nghiệp, cho hệ thống truyền thông, hệ thống quản lý về công nghệ thông tin... Nếu cơ quan truyền thông để xảy ra những quảng cáo “thần thánh hóa” thì cũng bị xử lý, thậm chí cao nhất là bị cách chức. Rồi sau đó mới đến xử phạt doanh nghiệp. Đặc biệt, cũng phải nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để có thể lựa chọn được sản phẩm tốt cho sức khỏe của mình.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Tuệ Linh