Ngoài hành vi hành hạ nhiều trẻ mồ côi ở Sóc Trăng, Luật sư nhận định, rất có thể cơ quan điều tra sẽ xử lý thêm "thầy hổ mang" về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu quá trình điều tra có căn cứ cho thấy bị can đã đưa ra những thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của những người hảo tâm, nhẹ dạ, cả tin.
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, Cơ quan điều tra Công an TP. Sóc Trăng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hồ Hữu Phúc (49 tuổi, ngụ tại đường Lê Đại Hành, phường 4-TP. Sóc Trăng) để điều tra về hành vi hành hạ trẻ em, cố ý gây thương tích.
Theo điều tra ban đầu, ông Phúc có nhận nhiều trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn về nhà nuôi dưỡng. Trong quá trình nuôi những trẻ em này, Phúc đã nhiều lần có hành vi dùng các vật dụng trong gia đình đánh những trẻ em này gây thương tích.
Trao đổi với PV, TS. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra để làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, hành hạ trẻ em, làm rõ hậu quả đã gây ra đối với các nạn nhân để xử lý đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Ngoài hành vi xâm phạm đến sức khỏe của các nạn nhân thì còn có các thông tin về việc bị can đã đưa ra nhiều thông tin không chính xác để kêu gọi từ thiện trong suốt thời gian qua.
Luật sư Cường nhận định: Trong quá trình điều tra vụ án này, nếu có đơn thư tố cáo, tố giác của các nhà hảo tâm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ hoạt động từ thiện thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp nhận thông tin, làm rõ hoạt động từ thiện mà bị can đã thực hiện trong thời gian qua được thực hiện như thế nào, những thông tin mà bị can đưa ra để cho những nhà hảo tâm chuyển tiền có phải là thông tin sai sự thật hay không, số tiền nhận được có sử dụng đúng mục đích hay không để xác định sự việc đó là quan hệ dân sự hay là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Trong trường hợp kết quả điều tra, xác minh có căn cứ cho thấy người này đã đưa ra những thông tin gian dối về hoàn cảnh của các em nhỏ, thông tin gian dối về hoạt động thờ tự, xưng danh Phật giáo không đúng sự thật để thực hiện hoạt động quyên góp tiền rồi chi tiêu cá nhân thì cũng có thể xem xét xử lý thêm người này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 bộ luật hình sự”, Luật sư Cường nói.
Trường hợp có đơn thư tố cáo tố giác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường phát biểu thêm: Có thể thấy rằng, không chỉ sự việc xảy ra ở Tịnh Thất Bồng Lai mà đã xuất hiện một số trường hợp nhận nuôi trẻ em để kêu gọi từ thiện giống như trong vụ việc này. Điều đáng chú ý là số tiền quyên góp được không sử dụng đúng mục đích, những thông tin đưa ra để kêu gọi từ thiện không trung thực làm mất niềm tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế của con người.
Lợi dụng tôn giáo, lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi rất đáng lên án, hành vi này làm suy thoái đạo đức xã hội, làm gia tăng lòng trắc ẩn của con người vào lòng tốt và sự tử tế.
Bởi vậy, quan điểm của Luật sư cho rằng, đối với những vụ án lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, lợi dụng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ để bóc lột sức lao động, làm công cụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan chức năng cần sớm phát hiện, xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
“Đồng thời cũng cần có những biện pháp để đảm bảo an toàn cho những đứa trẻ. Với hành vi lợi dụng tôn giáo, lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi thì cũng cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thay-ho-mang-hanh-ha-nhieu-tre-mo-coi-o-soc-trang-co-the-bi-khoi-to-them-toi-lua-dao-a565410.html