Biển Đông khả năng đón bão đúng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5

Năm nay, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Biển Đông có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới (bão/áp thấp nhiệt đới) với xác suất khoảng 40-60%.

Sáng ngày 25/4 hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 diễn ra. Tại hội nghị ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) cho hay, từ ngày 25-27/4 ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; riêng vùng núi phía Tây của Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ.

Theo ông Thái trên khu vực phía nam của Biển Đông, từ ngày 26-27/4 có khả năng hình thành một dải hội tụ nhiệt đới. Dự báo khoảng ngày 29/4-1/5 trên dải hội tụ nhiệt đới này có khả năng hình thành các vùng xoáy thấp. Trong đó, xác suất hình thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông trong khoảng thời gian từ 29/4-3/5 là 40-60%.

Xã hội - Biển Đông khả năng đón bão đúng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5

Biển Đông có thể đón bão đúng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Ảnh minh họa.

Cơ quan khí tượng cũng lưu ý, trong dịp nghỉ lễ 30/4-2/5, có khả năng xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm trên cả nước như mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ, trên biển có khả năng xuất hiện ATNĐ/Bão.

Từ ngày 30/4-2/5, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Từ ngày 29/4-3/5, các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, có khả năng xuất hiện mưa, mưa rào và dông.

Dự báo thời tiết mùa bão 2022 trên Tây Bắc Thái Bình Dương đã xuất hiện sớm hơn khoảng 1 tuần so với trung bình nhiều năm với 2 cơn bão MALAKAS (ngày 6/4) và MEGI (9/4).

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến khoảng giữa năm 2022 với xác suất khoảng 65-70%, sau đó sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính trong khoảng nửa cuối năm 2022.

Năm nay mùa mưa cũng bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ lượng mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6-8/2022. Tuy nhiên, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình trong giai đoạn tháng 6-9/2022.

Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa dự báo cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng 10 đến tháng 11/2022, đề phòng khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt trong giai đoạn này.

Dự báo năm 2022 có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt nhiệt đới trên khu vực biển Đông, trong đó 4 - 6 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta, thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bien-dong-kha-nang-don-bao-dung-ky-nghi-le-304-15-a565412.html