Thẩm mỹ “chui” và bác sĩ tự phong

Theo luật sư Nguyễn Cao Đạt, số lượng cơ sở kinh doanh hoạt động thẩm mỹ ngày một tăng cao, các cơ sở thực hiện dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép thường cố tình thực hiện “chui” các dịch vụ, khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm tra và xử lý kịp thời.

Vấn nạn bác sĩ, chuyên gia tự phong

Thời gian qua, xảy ra không ít sự cố làm đẹp của phái nữ tại các cơ sở thẩm mỹ, gây ra hậu quả về sức khỏe, thậm chí tính mạng.

Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Cao Ngọc Duy (Phó Trưởng khoa Hàm mặt Thẩm mỹ - bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, vì nhu cầu thẩm mỹ ngày càng tăng cao, cũng vì hám lợi mà xuất hiện nhiều spa thẩm mỹ “chui”, người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ đó không phải bác sĩ, họ học và dạy nhau những kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ một cách qua loa, để rồi cho ra những sản phẩm lỗi, những tai biến rủi ro nguy hiểm…

Chính những điều đó khiến mọi người hoang mang, ảnh hưởng đến thị trường phẫu thuật thẩm mỹ, khách hàng có thể sẽ rất sợ, thậm chí “chột dạ” khi nhắc đến một anh thợ cắt tóc phút chốc đã thành một người tự xưng danh “bác sĩ thẩm mỹ”, một cô nhân viên spa chuyên nối mi, chăm sóc da, thành “chuyên gia tiêm filler”… rất nhiều các bác sĩ và chuyên gia tự phong như vậy, đang làm nhiễu loạn thị trường làm đẹp”.

bac-sy-2-1650947981.jpg
Theo ThS.BS Cao Ngọc Duy, ngoài chuyên môn sâu về thẩm mỹ, cần phải học cách xử lý các tình huống, các rủi ro, các cấp cứu xảy ra nếu có.

“Với hơn 12 năm kinh nghiệm và làm nghề bác sĩ thẩm mỹ sau khi tốt nghiệp đại học, với việc hoàn thiện các văn bằng chứng chỉ như định hướng chuyên khoa 2 năm, thạc sỹ 2 năm, bác sĩ chuyên khoa 2 - 2 năm..., cái mà tôi học ở nhà trường ngoài chuyên môn sâu về thẩm mỹ còn là cách xử lý các tình huống, các rủi ro, các cấp cứu xảy ra nếu có, chứ không đơn thuần chỉ là phẫu thuật thẩm mỹ.

Ở bệnh viện Đức Giang, ngày nào tôi cũng tiếp nhận và chữa cho những ca thẩm mỹ lỗi hỏng từ những “bác sĩ thẩm mỹ tặc” đó. Có ca may mắn còn chữa được, có ca thì không, hậu quả gánh chịu cả đời” - bác sĩ Cao Ngọc Duy nhấn mạnh.

z3291069292256-e1c708b33c84c3e9c6ffb983f3408bac-1650948127.jpg
Một số ca phẫu thuật thẩm mỹ hỏng phải tìm đến bệnh viện Đức Giang để khắc phục.

Siết chặt hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ “chui”

Trên góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) thông tin: “Căn cứ theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP, Nghị định quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ Y tế. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ trên thị trường hiện nay sẽ có hai loại hình. Đó là các loại hình kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ không cần có giấy phép hoạt động và loại hình bắt buộc phải có giấy phép hoạt động.

Theo đó, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động thì phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Đây là loại hình kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phổ biến hiện nay với số lượng cơ sở lớn và khá phức tạp trong hoạt động quản lý. Mặc dù, loại hình này chỉ được thực hiện các dịch vụ xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Đồng thời, người thực hiện dịch vụ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Tuy nhiên, có rất nhiều cơ sở vẫn cố tình làm trái quy định thực hiện các dịch vụ trái phép, không ít trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng dịch vụ”.

1192106666556651720199197202354663656691668o1-1650947810.jpg
Luật sư Nguyễn Cao Đạt phân tích một số lỗ hổng trong quản lý dẫn đến hoạt động thẩm mỹ náo loạn gây sự cố thẩm mỹ.

Vị luật sư cũng chỉ ra một số “lỗ hổng” trong quản lý, dẫn đến những sự cố đáng tiếc: “Quy định về phạm vi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ của các cơ sở kinh doanh hiện nay cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, hoạt động quản lý của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa thật sự hiệu quả bỡi các lý do sau:

Đầu tiên, do số lượng cơ sở kinh doanh hoạt động thẩm mỹ hiện nay là rất lớn, gây khó khăn cho hoạt động quản lý. Các cơ sở thực hiện dịch vụ thẩm mỹ vượt quá phạm vi cho phép thường cố tình thực hiện “chui” các dịch vụ, nên rất khó kiểm tra và xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm chưa tương xứng với lợi nhuận thu về từ hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Chẳng hạn: Nghị định 117/2020/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định như sau:  

“Điều 39. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu;

c) Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng bộ Y tế hoặc Giám đốc sở Y tế;

d) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh;

đ) Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

e) Điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật”

“Điều 40. Vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ”.

Từ đó, luật sư Nguyễn Cao Đạt cho rằng, để ngăn những sự cố tương tự trong lĩnh vực thẩm mỹ, cần siết chặt hoạt động các cơ sở thực hiện dịch vụ thẩm mỹ.

“Trước tiên cần có sự phối hợp giữa Các cơ quan có thẩm quyền cấp trên và các cơ quan có thẩm quản lý tại địa phương. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, đồng thời tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh của người dân đối với hoạt động trái phép của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hoạt động phổ biến các quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ.

Và quan trọng nhất, chính là buộc các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ công khai thông tin liên quan đến phạm vi dịch vụ được phép thực hiện tại cơ sở và khi thực hiện quảng cáo dịch vụ” - vị luật sư cho biết.

Về vấn đề này, ThS.BS Cao Ngọc Duy cũng đồng tình, bày tỏ: “Thiết nghĩ, các sở Y tế, bộ Y tế và Thanh tra phải làm mạnh tay rà soát lại những cơ sở này.

Và người dân, đừng dễ dàng dễ dãi phó mặc khuôn mặt mình, cơ thể mình và tính mạng mình như thế. Để rồi khi có sự cố lại hối không kịp”.
 

Tuệ Linh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tham-my-chui-va-bac-si-tu-phong-a565419.html