Tối 23/4, chị T.T.P (39 tuổi, ngụ Q.Bình Tân , TP Hồ Chí Minh) đi đến một cơ sở thẩm mỹ tiêm 3 lọ filler Alisa (50ml/lọ) vào vùng ngực và mặt.
Sau khi tiêm xong, trở về nhà, chị P. mệt, khó thở, sốt nên được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quận Bình Tân. Bệnh nhân được chẩn đoán và theo dõi phản vệ độ 3 sau tiêm filler (không tiền căn bệnh lý).
Ngày 24/4, bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy và nhập khoa Nội tim mạch.
Lúc nhập viện, bệnh nhân lơ mơ, thở oxy, mạch 110 lần/phút, huyết áp 160/100mmHg (duy trì thuốc vận mạch adrenaline). Bệnh nhân được chẩn đoán: Choáng tim, tổn thương cơ tim cấp, nghi do viêm cơ tim cấp. Theo dõi áp xe vú 2 bên - tổn thương thận cấp.
Bệnh nhân được xử trí đặt nội khí quản, thở máy, hỗ trợ tim phổi với màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (chạy ECMO), lọc thận chậm (CRRT), kháng sinh, vận mạch, corticoid, tăng sức co bóp cơ tim, kháng đông, lợi tiểu, điều trị nâng đỡ. Tuy nhiên, theo tiên lượng của các bác sĩ, tình trạng bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao.
Cơ quan chức năng làm việc tại Bệnh viện 1 A về trường hợp 1 nữ bệnh nhân tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực .
Được biết, chị P. và một số người tự tiêm filler cho nhau, cơ sở tiêm filler có tên Ngọc Oanh (Q.6).
Sáng 27/4, Đại diện Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, vụ việc đã được Bệnh viện Chợ Rẫy báo cáo lên sở Y tế, hiện các cơ quan chức năng quận 6 đang phối hợp Thanh tra sở Y tế TP Hồ Chí Minh tìm hiểu, làm rõ vụ tai biến thẩm mỹ này.
Trước đó, ngày 20/4, một phụ nữ 61 tuổi (ngụ Q.11, TP Hồ Chí Minh) đến Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn cấy mỡ ngực, sau đó cũng đã tử vong trong ngày.
Tiêm filler với quy trình đơn giản nhưng nếu đã can thiệp đến làm đẹp thì tiêu chí đầu tiên là cần lựa chọn nơi uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, với đội ngũ chuyên nghiệp để đảm bảo sức khỏe.
Đề cập tới trường hợp nữ bệnh nhân P tiêm 3 lọ Filler (50ml/lọ) vào cơ thể, PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh cho biết, thực trạng hiện nay đang rất phổ biến việc nhiều tiệm spa liều mạng “nhảy” vào lĩnh vực dịch vụ làm đẹp. Họ giới thiệu với khách một số loại Filler với giá rất rẻ. Đa số đây là Filler trôi nổi trên thị trường, thường có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài ra, Filler giá rẻ chỉ là dạng silicon lỏng trộn với filler dởm. Vì loại Filler chính hãng được cấp phép của FDA, cấp phép của Bộ Y tế sử dụng trong các bệnh viện chuyên ngành như Restylane (xuất xứ Thụy Điển) hay Juvederm (của Pháp)…đã có giá 200 USD/1 lọ (1cc).
Silicon lỏng bán trên thị trường rất rẻ: 1 lít chỉ có giá 200-300.000 đồng. Tuy nhiên đây là những chất gây tác hại nghiêm trọng khi tiêm vào người, không thể tan trong mô. Lâu ngày sẽ gây vón cục, hoại tử… Tai biến thường xảy ra khi tiêm là gây tắc mạch, thuyên tắc phổi. Các chuyên gia về làm đẹp, thẩm mỹ cũng đã có khuyến cáo các chị em, không bao giờ nên nâng ngực bằng Filler. Chỉ nên đặt túi ngực (tại nơi có uy tín, đủ điều kiện phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ theo qui định của Nhà nước) để đảm bảo nhu cầu làm đẹp như ý mà lại an toàn cho sức khỏe.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lien-tiep-cac-ca-tai-bien-tham-my-nghiem-trong-tren-dia-ban-thanh-pho-a565444.html