Khi nào "cơn sốt" bất động sản sẽ "hạ nhiệt"?

Dù giá bất động sản đang tăng nóng nhưng theo giới chuyên gia, nhìn về dài hạn chắc chắn thị trường sẽ hạ nhiệt khi nguồn vốn của nhà đầu tư bị co hẹp.

Giá bất động sản liên tục tăng

Theo Tiền Phong, sau khi khảo sát, thu thập dữ liệu biến động giá bán một số loại hình bất động sản (BĐS) trong tháng 3/2022 và quý I/2022 ở 8 địa phương, bao gồm: Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo cáo Quý I/2022 của Bộ Xây dựng đã chỉ ra rằng, giá giao dịch BĐS bình quân của toàn thị trường trong quý này đều có xu hướng tăng.

Trong tháng 3/2022, một số loại hình BĐS tăng giá khá cao so với các tháng trước. Điển hình như phân khúc căn hộ chung cư của Hà Nội tăng giá 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng giá 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%.

Trước đó, báo cáo thị trường quý I/2022 của Batdongsan.com.vn và DKRA cũng chỉ ra xu hướng giá nhà tăng tại các Thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Trong đó, giá căn hộ bán và cho thuê ở Hà Nội tăng trung bình 5 -8% theo quý. Trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ tăng 9 -12% so với cùng kỳ 2021. Phân khúc đất nền, đất thổ cư tại Hà Nội có biến động giá, tăng trung bình từ 20-25% so với cùng kỳ, nhiều khu vực phía Tây Hà Nội như huyện Chương Mỹ xuất hiện tình trạng tăng giá nóng, giá tăng gần 35-74%.

Tương tự, ở Tp.HCM, mặt bằng giá bán căn hộ tăng 3-4% so với quý trước và tăng gần 10% so với cùng kỳ, giá thuê cũng tăng từ 4-7%. Phân khúc đất nền, đất thổ cư rao bán tại Tp.HCM tăng giá từ 10 -25%. Với các địa phương thuộc khu vực Đông – Tây Nam Bộ như Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, ghi nhận giá đất thổ cư tăng từ 7-27% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều đơn vị và chuyên gia BĐS nhận định đà tăng giá BĐS có thể sẽ còn xuất hiện trong thời gian tới.

Bất động sản - Khi nào 'cơn sốt' bất động sản sẽ 'hạ nhiệt'?

Giá đất nền tại nhiều nơi thời gian qua đã được đẩy lên cao. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Tài Nguyên & Môi Trường dẫn lời bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, trong năm nay, giá nhà ở vẫn sẽ tăng nhưng không đột biến, chủ yếu hướng tới người mua ở thật. Việc tăng giá cũng sẽ rất thận trọng. Giá sẽ ở ngưỡng hợp lý, biệt thự tăng từ 6-7%, trong khi đó nhà liền kề và shophouse có mức tăng cao hơn. Đáng chú ý, khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, thị trường năm 2022 sẽ chứng kiến sự mở rộng ra khu vực ven đô, các dự án đã hoàn thiện cơ bản sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của người mua.

Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Cấp cao CBRE nhận định, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá BĐS của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng trên thị trường. Điển hình, tại TP.HCM, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2020 chỉ đạt 73% thì đến quý 3/2021, tỷ lệ này đạt 82%. Giá dự kiến tiếp tục tăng do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung còn hạn chế.

Nhà đầu tư cần thận trọng

Tuy nhiên, theo Tiền Phong, không ít chuyên gia BĐS cho rằng nhà đầu tư cần có cái nhìn thật thận trọng về thị trường và giá BĐS vì sẽ đến một thời điểm thị trường chững lại , và nhiều nhà đầu tư sẽ phải cắt lỗ BĐS trong tương lai gần.

Cụ thể, lãnh đạo một công ty BĐS khu vực miền Trung nhận định có thể giá đất sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2022 hoặc bước sang năm 2023. Đồng thời, trong bối cảnh các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất và “siết” tín dụng với BĐS, sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp địa ốc và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các tín hiệu khó khăn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cùng với việc tăng cường thanh tra dự án, “siết” thuế chuyển nhượng nhà đất khiến thị trường BĐS từ chững lại sẽ rơi vào trạng thái khó khăn. Và theo quy luật tất yếu, khi thị trường gặp khó, nhà đầu tư thiếu vốn thì giá BĐS bắt buộc phải giảm. Tuy nhiên, trước mắt thì giá BĐS chưa giảm vì kỳ vọng của nhà đầu tư còn lớn và còn khả năng gồng gánh nợ lãi tốt.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, các tín hiệu khó khăn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cùng với việc tăng cường thanh tra dự án, “siết” thuế chuyển nhượng nhà, đất sẽ khiến thị trường BĐS từ chững lại sẽ rơi vào trạng thái khó khăn vào cuối năm 2022 hoặc sang năm 2023.

Nhận định về sự biến động của thị trường trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho rằng, khi nguồn vốn chảy vào BĐS bị co hẹp, các doanh nghiệp và nhà đầu tư BĐS sẽ phải tập trung vào dự án có khả thi, không còn đầu tư dàn trải, thì thị trường BĐS chắc chắn sẽ hạ nhiệt…

Đào Vũ (T/h)

 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khi-nao-con-sot-bat-dong-san-se-ha-nhiet-a565514.html