Không để "vàng thau lẫn lộn" trên thị trường trái phiếu

Tính minh bạch thông tin của các tổ chức phát hành lẫn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành là một trong những hạn chế cơ bản trên thị trường hiện nay.

Thị trường tiềm năng và được cảnh báo từ rất sớm

Dù vẫn được đánh giá rất tiềm năng, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang cho thấy những rủi ro phát sinh từ thực tế, không còn ở dạng cảnh báo. Không phải gần đây, những rủi ro trên thị trường trái phiếu riêng lẻ mới được cảnh báo, mà ngược lại các cơ quan quản lý, các chuyên gia và nhiều tổ chức trung gian đã “lên tiếng” từ rất sớm.

anh 1 ba ta thanh binh uy ban chung khoan

Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Mới đây nhất, ngày 7/4/2022, Thủ tướng Chính phủ có công điện chấn chỉnh hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngay sau đó, ngày 8/4, Bộ Tài chính cũng có thêm thông cáo về việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý giám sát để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, hiệu quả.

Trong các lần phát đi thông điệp cảnh báo, cơ quan quản lý đều nhấn mạnh “doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư phải đặc biệt quan tâm và tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính, thông tin về trái phiếu phát hành, tài sản đảm bảo, đơn vị tư vấn, bảo lãnh,… trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp.

Không chỉ dừng ở cảnh báo, Bộ Tài chính cũng có văn bản chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp.

Trong nội dung chia sẻ với ĐS&PL, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhấn mạnh việc Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có 2 công điện trong đó đã chỉ đạo nhiều biện pháp nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.

Bà Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài đẩy mạnh công tác giám sát, theo chia sẻ của bà Bình, Uỷ ban Chứng khoán sẽ nâng cao chất lượng công bố thông tin trên thị trường. Mặt khác, đơn vị này cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường,…

“Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần thực sự bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp”, bà Bình cho hay.

Cần tăng cường trách nhiệm giám sát của Uỷ ban chứng khoán

Trao đổi với ĐS&PL, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, các công ty phát hành trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh phải vay ngân hàng với những quy định thẩm định khắt khe, nghiêm ngặt, đòi hòi phải có tài sản thế chấp và phương án sản xuất kinh doanh.

anh 2 ong nguyen hoang hai vafi

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI).

Tuy nhiên, không loại trừ nhiều doanh nghiệp đã “lách” các quy định khiến nhà đầu tư bị mất niềm tin. Chính vì vậy, việc Chính phủ tăng cường giám sát, thanh tra lại hoạt động phát hành hay sử dụng vốn từ trái phiếu doanh nghiệp là để giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới.

“Trái phiếu doanh nghiệp cần có sự chọn lọc, chất lượng tốt chứ không phải doanh nghiệp nào muốn đều có thể phát hành. Cơ quan quản lý nhà nước cần hoạch định lại thị trường an toàn hơn, chẳng hạn minh bạch thông tin tài chính doanh nghiệp và các quy định xoay quanh việc bảo lãnh phát hành, tài sản đảm bảo”, ông Hải nêu rõ.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thiết phải bổ sung khung pháp lý thật sự minh bạch, cụ thể. Trước hết là pháp lý liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu và cam kết thực hiện thỏa thuận phát hành cùng với quy chế giám sát thực hiện.

Ông Doanh nhấn mạnh việc cần tăng cường trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây cụ thể là Ủy ban Chứng khoán nhà nước. “Cùng với đó, phải có chế tài xử phạt nghiêm minh những hành vi tiếp tay, ngó lơ cho doanh nghiệp làm trái quy định, ảnh hưởng đến thị trường và nhà đầu tư”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, ông cũng cho rằng cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả doanh nghiệp. Việc xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả.

anh 3 ts can van luc bidv

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.

Liên quan đến thị trường thứ cấp, sau khi phát hành, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, việc theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền phát hành ra như thế nào, hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau.

“Theo tôi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể làm được việc giám sát, kiểm soát dòng vốn sau phát hành, vì vậy chủ yếu là cam kết của doanh nghiệp ở bản cáo bạch, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp. Sau đó, nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư để mua trái phiếu doanh nghiệp, thì các quỹ này sẽ có trách nhiệm theo dõi, chứ không thể bắt buộc theo dõi, sử dụng vốn phát hành ra như thế nào”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Box: Mấu chốt vẫn là xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp

Theo TS. Cấn Văn Lực, ngoài công khai thông tin thì cũng phải tăng cường công tác xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

“Cần phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm, như ở Singapore, Hàn Quốc… có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Nhưng ở Việt Nam, khuyến khích hay bắt buộc thì cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra”, ông gợi ý.

Ông cho rằng, khi có xếp hạng tín nhiệm thì nhà đầu tư chỉ cần nhìn vào xếp hạng của doanh nghiệp sẽ biết doanh nghiệp này được xếp hạng ở mức A, B hay C. Trên cơ sở đó, nếu nhà đầu tư muốn an toàn thì đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp được xếp hạng tốt và cũng đồng nghĩa với chấp nhận lãi suất thấp hơn.

Thu Huyền

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số thứ Tư (100)

 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khong-de-vang-thau-lan-lon-tren-thi-truong-trai-phieu-a565533.html