Biến chứng về mắt phổ biến hậu COVID-19
Phân tích tổng hợp bao gồm tổng cộng 1.373 người từ 31 nghiên cứu, gồm 972 bệnh nhân COVID-19 và 401 người không mắc bệnh làm đối chứng đã báo cáo những thay đổi mạch máu võng mạc ở bệnh nhân COVID-19. Các nhà nghiên cứu cho biết, kết quả cho thấy, nhiễm COVID-19 làm tăng tỷ lệ bệnh vi mạch võng mạc lên gấp 8,86 lần.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, COVID-19 có thể gây cản trở quá trình cung cấp máu cho võng mạc. Lưu lượng máu bất thường làm tổn thương võng mạc, dẫn đến suy giảm thị lực.
Sau đây là 4 vấn đề về mắt phổ biến có thể phát triển sau khi nhiễm COVID-19, theo nghiên cứu mới:
- Đốm "bông gòn": Khi cục máu đông ngăn cản chất dinh dưỡng đến võng mạc, các mô trong võng mạc bắt đầu sưng lên và chết đi nhưng thường không ảnh hưởng đến thị lực.
Các cục máu đông trong các động mạch của võng mạc có thể ngăn chặn dòng chảy của ô xy, khiến các tế bào chết đi, gọi là tắc động mạch võng mạc hay còn gọi là đột quỵ mắt. Triệu chứng phổ biến nhất là mất thị lực đột ngột, không đau.
- Tắc tĩnh mạch võng mạc: Khi một tĩnh mạch trong võng mạc bị tắc nghẽn, máu không thể thoát ra ngoài như bình thường. Sự tích tụ của máu làm tăng áp suất bên trong mắt, có thể gây chảy máu, sưng tấy và "chảy ghèn". Những người bị biến chứng này có thể bị mờ hoặc thậm chí mù vĩnh viễn đột ngột.
- Xuất huyết võng mạc: Điều này xảy ra khi các mạch máu trong võng mạc bắt đầu chảy máu, đôi khi do tắc tĩnh mạch võng mạc. Xuất huyết có thể dẫn đến điểm mù và mất thị lực dần dần hoặc đột ngột, theo tờ Thanh Niên.
Những ai có nguy cơ bị biến chứng mắt do COVID-19?
Rất ít bệnh nhận COVID-19 gặp các biến chứng nghiêm trọng về mắt. Nhưng những người mắc các chứng bệnh sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, bao gồm tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn máu, các bệnh về mạch máu.
Khi các vấn đề về mắt xảy ra, chúng có xu hướng phát triển trong vòng 1 đến 6 tuần kể từ khi gặp các triệu chứng COVID-19 hoặc 2 - 4 tuần sau khi khỏi bệnh. Kể cả người nhiễm COVID-19 nặng và không có triệu chứng đều có thể mắc những biến chứng này.
Nên làm gì để phòng tránh bệnh về mắt hậu COVID-19?
Tri thức trực tuyến dẫn lời Tiến sĩ S. Natarajan - Trưởng phòng Dịch vụ Lâm sàng, Bệnh viện Mắt Aditya Jyot, Mumbai (Ấn Độ), cho biết: "Các nghiên cứu đều nhấn mạnh điều quan trọng là bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục từ COVID-19 cần đi kiểm tra mắt sớm. Thông thường, nhiều chứng rối loạn nói trên không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Chúng chỉ gây ra những rối loạn và mất thị giác khi đã chuyển sang giai đoạn nặng".
Ngoài ra, theo tiến sĩ Kaushal - Trưởng khoa Nhãn khoa, Bệnh viện Artemis Gurgaon (Ấn Độ), không có loại thuốc phòng ngừa đặc biệt nào được khuyến nghị vì tỷ lệ mắc các biểu hiện nghiêm trọng về mắt này thấp. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị thích hợp vẫn là cách chính để giải quyết vấn đề này.
Linh Chi (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/suy-giam-thi-luc-hau-covid-19-bien-chung-pho-bien-va-cach-phong-tranh-a565564.html