Chuyên gia nhận định về khả năng viêm gan "bí ẩn" vào Việt Nam

Hiện đã có 228 trường hợp trẻ bị viêm gan bí ẩn được ghi nhận tại khoảng 20 quốc gia. Theo các chuyên gia, khả năng virus gây bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Hàng trăm trẻ bị mắc bệnh viêm gan "bí ẩn"

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận thêm 8 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em trong tuần qua, nâng tổng số quốc gia có ca bệnh lên con số 20. "Tính đến ngày 1/5, ít nhất 228 trường hợp đã được báo cáo cho WHO từ 20 quốc gia, với hơn 50 trường hợp bổ sung đang được điều tra", phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic thông báo với truyền thông ngày 3/5.

Hầu hết các trường hợp được phát hiện ở Anh (145) và Mỹ (20), những quốc gia có một số hệ thống giám sát mạnh nhất. Trước đây, tổ chức này đã công bố các trường hợp viêm gan "không rõ nguồn gốc" đã được xác nhận ở Ireland, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Bỉ, Ý và Hà Lan, cũng như Israel, Đan Mạch, Na Uy và Romania.

Trong bản cập nhật đầu tiên về đợt bùng phát viêm gan kể từ ngày 23/4, WHO cho biết các ca bệnh đã lây lan sang 8 quốc gia khác. WHO không tiết lộ quốc gia nào đã báo cáo thêm trường hợp này nhưng các cơ quan y tế khác tiết lộ Áo, Đức, Ba Lan, Nhật Bản và Canada đã phát hiện trường hợp này, trong khi Singapore đang điều tra 1 trường hợp xảy ra ở 1 em bé 10 tháng tuổi. Còn Indonesia ngày 2/5 cho biết, 3 trẻ em đã tử vong do nghi viêm gan siêu vi không rõ nguyên nhân.

145 trẻ em bị ảnh hưởng ở Anh, chủ yếu từ 5 tuổi trở xuống, ban đầu bị tiêu chảy và buồn nôn, sau đó là vàng da và tròng trắng mắt.

WHO đã xác nhận 1 trường hợp tử vong, mặc dù không tiết lộ địa điểm. Một trường hợp tử vong ở Mỹ đang được điều tra, cùng với 3 trường hợp ở Indonesia.

Những đứa trẻ ở Indonesia, trong độ tuổi 2, 8 và 11, bị sốt, vàng da, cũng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và nước tiểu sẫm màu. Các nhà lãnh đạo y tế Indonesia nghi ngờ các trường hợp này là viêm gan nhưng họ đang tiến hành các xét nghiệm để xác định xem liệu virus viêm gan A đến E thông thường có đứng đằng sau chúng hay không, hay không rõ nguồn gốc của chúng.

Viêm gan là tình trạng gan bị viêm nhiễm, có thể do nhiều nguyên nhân. Các virus gây viêm gan đã biết là A, B, C, D, E. Uống nhiều rượu, dùng thuốc hoặc nhiễm các chất độc hại cũng có thể gây viêm gan. Ở những người bị viêm gan tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công gan.

Trẻ em bị viêm gan bí ẩn không nhiễm các virus thường thấy. Việc trẻ khỏe mạnh đột ngột mắc bệnh hàng loạt là điều hiếm thấy trước đây. Đó là lý do vì sao các cụm bệnh nhi mới gây ra nhiều lo ngại.

Nguyên nhân gây bệnh

Các chuyên gia vẫn chưa thể trả lời nguồn cơn của bệnh viêm gan bí ẩn. Tuy nhiên, giả thuyết hàng đầu là adenovirus.

Đời sống - Chuyên gia nhận định về khả năng viêm gan 'bí ẩn' vào Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), adenovirus đang được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em.

Theo WHO, hiện adenovirus đang được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. Tuy nhiên WHO không loại trừ các tác nhân khác và vẫn đang điều tra. Adenovirus thường được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hô hấp, viêm kết mạc hoặc rối loạn tiêu hóa. Sau khi ghi nhận 169 trường hợp đầu tiên, WHO đã điều tra và phát hiện các virus phổ biến gây viêm gan cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E) không được phát hiện trong bất kỳ trường hợp nào.

Về vấn đề này, trao đổi với , PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược Tp.HCM cũng cho hay, về cơ bản giới nghiên cứu đã tìm được căn nguyên nghi ngờ lớn nhất gây bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn". 

Việc adenovirus gây viêm gan không mới. Trước đây đã từng có những trường hợp trẻ nhiễm virus này gây suy gan nặng, tử vong hoặc phải ghép gan. Tuy nhiên, điều kỳ lạ của những trường hợp gần đây là việc tỷ lệ mắc cao hơn. Ngoài ra, đối tượng mắc bệnh nặng trước kia thường là những trẻ bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu thì giờ có thể xảy ra ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Do đó, giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus hiện tại có đột biến.

PGS Dũng cho biết thêm, có một số luồng thông tin nghi ngờ vắc-xin Covid-19 dùng adenovirus để điều chế gây bệnh viêm gan nói trên. Tuy nhiên trên thực tế, adenovirus của vaccine Covid-19 là chủng lấy từ hắc tinh tinh và đã được xử lý để không còn khả năng nhân bản.

Còn chủng adenovirus gây bệnh viêm gan là chủng của người (cụ thể là type 41). Hai chủng virus này không liên quan nhau, và do đó vaccine không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính. Đó là chưa kể vắc-xin dùng adenovirus không được sử dụng tiêm cho trẻ.

Một giả thuyết khác được đưa ra, đó là khi trẻ đồng thời bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và adenovirus sẽ có hiện tượng trao đổi gen với nhau, từ đó khiến adenovirus dễ đột biến hơn. Căn cứ của giả thuyết trên là việc đa số trẻ phát hiện nhiễm viêm gan cấp tính "lạ" đều sống ở vùng trước đây từng chống chọi với dịch Covid-19. Chuyên gia cho rằng đây là cơ chế bình thường, có thể xảy ra khi bất kỳ dịch bệnh nào lưu hành.

Dù ban đầu khi thống kê, người ta thấy khoảng 10-20% trẻ nhiễm bệnh viêm gan trên từng mắc Covid-19 nhưng hiện tại theo thời gian, tỷ lệ đã không còn nhiều. Do đó, không thể nói Covid-19 là nguyên nhân gây bệnh viêm gan "bí ẩn".

Khả năng viêm gan bí ẩn vào Việt Nam

Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ nhưng theo các chuyên gia, khả năng virus gây bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 5/5, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc), cho biết khả năng virus vào Việt Nam là rất cao và khó tránh khỏi. Do đó các bác sĩ, nhân viên y tế cần cảnh giác để phát hiện và báo cáo ca bệnh, cập nhật thông tin trên thế giới cha mẹ theo dõi triệu chứng ở trẻ, đặc biệt là vàng da vàng mắt, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khối Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm Tp.HCM, cho biết thêm: "Bệnh lây qua đường hô hấp nhưng không phải tất cả em bé tiếp xúc với virus đều nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm bệnh rải rác. Do đó việc có thể làm là phát hiện sớm để điều trị chứ không có biện pháp ngăn ngừa như cách ly".

Cũng theo bác sĩ Khanh, khả năng vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, nếu có thì nó sẽ xuất hiện rải rác, nhiệm vụ của mình là phát hiện sớm, điều trị, không nên quá hoang mang. Phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn, uống thuốc nghỉ ngơi, ăn uống theo chế độ bệnh suy gan, nặng hơn thì lọc gan, ghép gan.

Trong khi đó, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng điều cần thiết hiện tại là phải giúp cho người dân hiểu Covid-19 vẫn là vấn đề cần quan tâm, vì nó không chỉ gây bệnh, tự biến chủng mà có thể góp phần tạo ra các biến chủng virus khác. Do đó, phụ huynh hãy cho trẻ tiêm vắc-xin Covid-19 nếu có điều kiện.

Theo PGS Dũng, cần cảnh báo các triệu chứng nghi ngờ nhiễm viêm gan để trẻ được đưa đi điều trị kịp thời. Một trong những nguyên nhân gây gia tăng ca mắc viêm gan thời gian gần đây là do phát hiện trễ. Đơn cử khi bị nóng sốt, người dân có tâm lý nghĩ là "hậu Covid-19" chứ không nghĩ là bệnh khác. Mặc khác, cũng vì dịch Covid-19 khiến người dân ngại đi điều trị, khiến bệnh có thời gian phát triển nặng hơn.

"Các triệu chứng cụ thể cần chú ý như ở đường tiêu hóa (như tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn), sốt, đau vùng gan, vàng da, có đốm xuất huyết nhỏ…", vị chuyên gia khuyến cáo.

Minh Hoa (t/h)

 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-ve-kha-nang-viem-gan-bi-an-vao-viet-nam-a565645.html