Khó khăn chồng chất
Chia sẻ tại hội thảo về “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 6/5 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, ước tính khoảng 60 ngàn tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động đang gặp nhiều khó khăn.
“Thị trường tiêu thụ giảm 20% - 30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 17% so với năm 2019. Năm 2020 lợi nhuận của ngành nước giải khát giảm trên 90% so với năm 2019 và năm 2021 lợi nhuận của ngành tiếp tục giảm thêm 31,4% năm so với năm 2020”, Chủ tịch VBA cho biết.
Sau khi trạng thái bình thường mới, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi như trước do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất… khiến nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn.
"Đặc biệt, gần đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nữa những khó khăn của ngành đồ uống khiến giá nhiên liệu tăng mạnh, giá nguyên liệu tăng phi mã điển hình như nguyên liệu chính để sản xuất bia là đại mạch đã tăng tới 40 - 50%, các nguyên liệu khác như hoa Houblon, vỏ lon, vỏ hộp, phụ liệu hóa chất… tăng trung bình từ 15% - 35% và đà tăng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt”, Chủ tịch VBA chia sẻ.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, đặc biệt là gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Đề nghị không mở rộng đánh thuế mới đối với doanh nghiệp nước giải khát
Mặc dù năm 2022, với việc mở cửa trở lại ngành du lịch và ăn uống, khả năng sẽ mang lại sự phục hồi cho ngành nước giải khát. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của ngành chắc chắn sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang ở mức cao lịch sử như: xăng dầu, đường, nhôm và nhựa...
Theo VBA, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có những tác động tích cực nhất định, phần nào cải thiện tình trạng khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất,… đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt nỗi lo về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đáng chú ý, có nhiều gói hỗ trợ nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thông qua giảm một số loại phí như Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020, nhưng lại không có cơ chế riêng nào áp dụng đối với ngành đồ uống nói chung cũng như ngành nước giải khát nói riêng.
Để hỗ trợ, phục hồi ngành đồ uống Việt Nam, bà Chu Thị Vân Anh-Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA kiến nghị: “Sự hỗ trợ từ Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong ngành vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt là việc duy trì sự ổn định về các chính sách thuế đối với những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong thời hạn ít nhất là 5 năm tới, không mở rộng đánh thuế mới theo hướng bất lợi hơn cho doanh nghiệp nước giải khát đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh”.
Lãnh đạo VBA khát nhìn nhận, việc tăng hay áp thêm thuế dẫn tới tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới sức mua và tiêu dùng nội địa và từ đó sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, mức đóng góp thuế và cơ hội việc làm của người lao động. Vì vậy, việc tăng thuế hoặc bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy giá một số mặt hàng và dịch vụ lên cao, tăng khả năng lạm phát, trong khi có thể không giúp tăng thu ngân sách.
“Đây chính là vấn đề chúng ta cần cân nhắc rất thận trọng và đánh giá kỹ lưỡng những tác động về kinh tế, xã hội và sức khỏe đối với đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này tránh gây ra những hệ quả không mong muốn về kinh tế và xã hội, tạo thêm những gánh nặng không cần thiết lên doanh nghiệp, vốn đã đang phải rất nỗ lực vượt qua khó khăn, khắc phục các hậu quả của đại dịch”, bà Vân Anh phát biểu tại hội thảo.
Bên cạnh đó, cần tham vấn rộng rãi cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp chịu tác động, để đảm bảo các chính sách mới có cơ sở, khoa học, tính khả thi, phù hợp với quốc tế, có lộ trình phù hợp... Điều này cũng rất phù hợp với chỉ đạo nhân văn của Thủ tướng Chính Phủ tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 về Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật để tạo sự ủng hộ và đồng thuận cao từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, giúp pháp luật đi vào cuộc sống.
VBA mong muốn Quốc hội, Chính phủ quan tâm và xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, phục vụ xuất khẩu, đẩy lùi hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Mỗi người Việt dùng 23 lít nước giải khát/năm
Chia sẻ tại hội thảo, các doanh nghiệp ngành đồ uống cho biết đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Tính riêng nước giải khát, ước tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động.
Mặc dù mức tiêu thụ nước giải khát trung bình của mỗi người Việt Nam chỉ khoảng 23 lít/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 40 lít/năm/người của thế giới, nhưng giai đoạn 2015 – 2019, thị trường nước giải khát của Việt Nam tăng bình quân 8,4% (theo số liệu nghiên cứu thị trường của Euromonitor).
Kể từ năm 2015 trở lại đây, ngành đồ uống chiếm tỷ trọng 4,5% trong nhóm ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ, đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 50 ngàn tỷ đồng. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, mức tăng trưởng hàng năm của ngành nước giải khát tăng đều ở mức 6-7%, nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, sự phát triển của ngành công nghiệp này đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Hương Anh (tổng hợp)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/giai-phap-phuc-hoi-va-phat-trien-nganh-do-uong-sau-con-bao-covid-19-a565712.html