Chia sẻ về viêm gan bí ẩn ở trẻ, trao đổi với độc giả trên Zing, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Phuông, Trưởng đơn vị chuyên khoa gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, các trường hợp xảy ra gần đây đã được xác định ở châu Âu và Mỹ gợi ý rằng virus Adeno nên được xem xét trong chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Virus Adeno hiện có vẻ là nguyên nhân có thể xảy ra nhất ở đây nhưng sẽ cần điều tra thêm để xác nhận điều này và loại trừ các giải thích có thể có khác như virus mới. Thậm chí, có thể virus Adeno không phải là phổ biến trong tất cả trường hợp. Dù là căn nguyên nào, việc cảnh giác với viêm gan cấp ở trẻ em trong tình hình hiện nay là điều cần thiết.
Biện pháp phòng ngừa chính là rửa tay và vệ sinh hô hấp tốt, chẳng hạn che miệng khi ho, ho vào khuỷu tay. Bạn cần vệ sinh tay và hô hấp tốt, bao gồm giám sát việc rửa tay ở trẻ nhỏ. Điều này có thể giúp ngăn ngừa virus Adeno và các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây viêm gan.
BS Lê Thanh Phuông cũng đưa ra lời khuyên cho cha mẹ về các triệu chứng của bệnh viêm gan, đó là nếu trẻ có một trong các triệu chứng sau đây nên đưa con đi khám bệnh:
- Sốt cao, rối loạn tri giác.
- Cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc hay cảm thấy không khỏe.
- Ăn mất ngon đau bụng, tiêu chảy, nôn.
- Nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, nhợt nhạt.
- Vàng mắt và da, ngứa da.
- Đau cơ và khớp
Cách phòng bệnh viêm gan bí ẩn:
Thông tin trên Sức khỏe& Đời sống, BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị đầu ngành về các bệnh truyền nhiễm, cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có 278 trường hợp viêm gan bí ẩn ở trên 20 quốc gia, 5 trường hợp trẻ đã tử vong vì viêm gan bí ẩn. Ước tính 10% trẻ em mắc viêm gan bí ẩn phải ghép gan.
- BS. Huyền khuyến cáo, nếu phụ huynh thấy trẻ có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì nên cho trẻ đi khám để xem trẻ có tổn thương gan không, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ.
Trường hợp trẻ đã có biểu hiện tiểu vàng, mắt vàng thì bệnh đã ở giai đoạn khá muộn, rất nguy hiểm.
- Trong bối cảnh hiện nay, người dân đã trải qua một thời gian khá dài của đại dịch COVID-19, ý thức phòng bệnh đã dược nâng cao hơn và cần duy trì ý thức, thói quen này.
- Ngoài ra, với bệnh viêm gan bí ẩn thì cần chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn…
- Ở nhà và ở trường lớp, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia đầy đủ để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất ngoài trời.
- Nên dạy trẻ duy trì thói quen rửa tay và sát khuẩn tay. Không nên vì lo lắng quá mà hạn chế trẻ vận động ngoài trời.
- Theo dõi sát trẻ, khi có dấu hiệu nghi ngờ thì cho trẻ đi khám tại bệnh viện.
WHO cũng khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện, điều tra và báo cáo thêm các trường hợp tương tự . Các mẫu bệnh phẩm cần thu thập bao gồm mẫu máu toàn phần, mẫu huyết thanh, nước tiểu, phân và bệnh phẩm hô hấp, cũng như các mẫu sinh thiết gan (nếu có). Trong khi chờ xác định nguyên nhân thật sự gây ra dịch viêm gan cấp mới ở trẻ em, các biện pháp phòng ngừa phổ quát đối với Adenovirus và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác là rửa tay thường xuyên và vệ sinh đường hô hấp cần được tuân thủ.
Với những thông tin hiện có, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào đối với việc đi lại và/hoặc thương mại với nước Anh, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác nơi có các trường hợp viêm gan cấp đã được phát hiện.
Hồng Anh (Tổng Hợp)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-chi-ra-dau-hieu-o-tre-nghi-mac-viem-gan-bi-an-a565721.html