Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hôm 4/5 cho biết, theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh viêm gan bí ẩn xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, nhưng có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.
Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.
Theo cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, đa số trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E).
WHO và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra. Các cuộc điều tra đang được tiếp tục. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, virus Adeno lây qua đường hô hấp, gây nhiễm trùng hô hấp là chủ yếu. Nhưng virus cũng có thể gây bệnh ở các cơ quan khác như đường tiêu hóa hay viêm kết mạc mắt, viêm bàng quang. Tài liệu y học cũng từng ghi nhận tình trạng tổn thương gan ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch bị nhiễm Adeno virus.
Trong khi đó, BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, theo các báo cáo số liệu trên thế giới thì có thể nói viêm gan bí ẩn là bệnh nguy hiểm, tỉ lệ bệnh nặng nhiều mặc dù số ca mắc chưa bùng phát trên diện rộng. Hiện có đến 10% trẻ phải ghép gan, nhiều trẻ nặng và tử vong, do đó cần đặc biệt lưu ý.
Tuy nhiên, bác sĩ Huyền cảnh báo: "Mặc dù chúng ta không chủ quan với viêm gan bí ẩn nhưng lo lắng thái quá là không cần thiết. Việc vội vã tự ý cho trẻ xét nghiệm men gan có thể không phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe, đôi khi bỏ sót các bệnh nguy hiểm khác".
"Tốt nhất là khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám, sau đó bác sĩ sẽ có chỉ định xem có cần thiết phải xét nghiệm hay không. Trường hợp phải xét nghiệm thì nên tiến hành ở cơ sở y tế uy tín, có độ tin cậy xét nghiệm cao để cho kết quả chính xác", bác sĩ Huyền chia sẻ trên Sức khỏe và Đời sống.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, hiện có nhiều cha mẹ chia sẻ về việc con phải đi khám bệnh vì nôn và đau bụng. Trong khi đó có nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ em. Tùy từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà tình trạng của trẻ có thể diễn biến cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Đau bụng và nôn cấp tính nhiều khi là các dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp.
Do đó, theo các chuyên gia tiêu hóa, khi trẻ đau bụng và nôn nhiều hoặc kéo dài, cha mẹ cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở Nhi khoa hoặc chuyên khoa Tiêu hóa nhi khoa để được các bác sĩ thăm khám, chỉ định xét nghiệm xác định nguyên nhân và điều trị hợp lý tránh các biến chứng do tình trạng bệnh kéo dài.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp , Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay, xét nghiệm men gan là xét nghiệm sinh hoá thông thường, rất nhiều cơ sở y tế có khả năng thực hiện. Đây là biện pháp nhằm đánh giá chức năng gan có tổn thương, có tình trạng suy gan hay không. Vì tình trạng rối loạn chức năng gan là một biểu hiện sớm của bệnh viêm gan bí ẩn. Còn để đến giai đoạn bệnh nhân vàng da, vàng mắt rõ hay lơ mơ, hôn mê thì đã là quá muộn.
Song tình trạng đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ… là những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ và do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế không phải bất kỳ trẻ nào có những biểu hiện đó cũng xếp vào diện nghi ngờ mắc viêm gan bí ẩn, mà cần có sự đánh giá kỹ càng của thầy thuốc khám bệnh. Bác sĩ Cấp khuyên phụ huynh không nên quá hoang mang khi trẻ xuất hiện nôn trớ, tiêu chảy.
“Nếu trẻ bị nôn trớ, đau bụng thì sẽ được khám, xác định các nguyên nhân thông thường để điều trị theo nguyên nhân đó. Chỉ xét nghiệm chức năng gan nếu có yếu tố nghi ngờ, nhằm sàng lọc, phát hiện sớm tình trạng tổn thương gan để chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu giúp xác định sớm ca bệnh đầu tiên. Từ đó triển khai các biện pháp điều trị và phòng lây nhiễm để tránh diễn biến quá xấu của bệnh nhân cũng như sự loang rộng của ổ bệnh”, bác sĩ Cấp tư vấn trên VietNamNet.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan bí ẩn và đang theo dõi sát sao. Cơ quan này yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.
Để phòng bệnh gan nói chung và phòng bệnh viêm gan bí ẩn đang có xu hướng gia tăng hiện nay, lời khuyên hữu ích cho các bậc phụ huynh lúc này là:
-Hướng dẫn trẻ tăng cường phòng bệnh, nhất là vấn đề giữ vệ sinh cá nhân cần đặt lên hàng đầu.
-Thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
-Cho trẻ ăn uống hợp lý, cân bằng dinh dưỡng.
-Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo để trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
-Thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn…
-Trẻ cần được hoạt động, vận động thường xuyên – đặc biệt là các hoạt động thể thao ngoài trời để nâng cao thể chất, nâng cao hệ miễn dịch. Không nên vì lo lắng quá mà hạn chế trẻ vận động ngoài trời.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/he-luy-khi-cha-me-tu-y-xet-nghiem-men-gan-cho-con-vi-so-viem-gan-bi-an-a565759.html